Đền Phạm Công Trứ.
Mở mang Nho học
Là người đứng đầu bộ Lễ, Phạm Công Trứ đã kiến nghị vua Lê, chúa Trịnh sửa sang lễ nghi, triều phục và định thành quy chế rõ ràng cho các quan văn võ đại thần.
Ông cũng quy định phụ nữ và nam giới ăn mặc y phục theo đúng tục lệ truyền thống. Ngoài ra, Phạm Công Trứ cũng nhiều lần tấu xin ra lệnh nghiêm cấm hút thuốc, bởi không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn trở thành một vấn nạn trong xã hội lúc bấy giờ.
Đặc biệt, trong chuyến hộ giá vua Lê Thần Tông đi Nam chinh ở Thuận Hóa năm Tân Sửu (1661), Phạm Công Trứ cùng với Trần Đăng Tuyển và Nguyễn Văn Thiệu làm thơ và xướng họa về những thắng tích, những nhân vật nổi tiếng của các địa phương mà đoàn quân đi qua, bao gồm 18 bài.
Đây là những cảm nhận tinh tế, sâu sắc về thiên nhiên đất nước, con người của ông, đồng thời, quan trọng hơn là thể hiện ý chí quyết tâm của đoàn quân trong việc bình ổn và thu phục châu Ô (do nhà Nguyễn ở Đàng Trong chiếm đóng).
Để mở mang nền nếp Nho học, giáo dục kẻ sĩ, tuyển chọn nhân tài cho đất nước, ông phụng mệnh làm Giám thủ Quốc Tử Giám, vừa coi sóc việc trùng tu, tôn tạo Văn miếu Quốc Tử Giám, đồng thời đôn đốc và rèn luyện việc học tập của các học sinh ở Quốc Tử Giám.
Không những thế, ông cùng quan Tham tụng Dương Trí Trạch, dâng sớ xin cung đốn mọi vật cần thiết cho trường thi, đặc biệt là trường thi hương ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học trò học tập.
Khi về quê, ngoài thú vui điền viên, ông còn dạy học, nhiều học trò của ông sau này thành đạt, đỗ khoa bảng cao và đảm nhận những chức vụ quan trọng trong triều cũng như ngoài trấn, như Đặng Công Chất, Nguyễn Công Bích, Đào Công Chính, Lê Hữu Danh, Lê Nhân Kiệt, Lê Sĩ Triệt, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Viết Thứ…
Gia tộc giàu truyền thống
Trải 50 năm làm quan, Phạm Công Trứ phò tá năm đời vua Lê, hai đời chúa Trịnh, từng giữ nhiều chức vụ và cương vị khác nhau, đã đạt đến đỉnh cao của công danh và quyền lực; là người mưu lược, luôn chăm lo việc nước, tài năng xuất chúng trên mọi lĩnh vực nội trị, văn hóa, sử học, ngoại giao.
Con cháu dòng họ Phạm sau này đã phát huy truyền thống tốt đẹp của gia tộc. Cháu năm đời của Phạm Công Trứ là Phạm Đình Tạc làm Án sát Cao Bằng đã quên mình tử tiết vì nước, được vua phong 4 chữ “Thung dung tựu nghĩa”.
Cháu ngoại Phạm Công Trứ là Dương Thị Huệ, có công nuôi cả gia đình khoa bảng gồm chồng là Lê Hữu Danh cùng ba con trai Lê Hữu Kiều, Lê Hữu Mưu và Lê Hữu Hi đều đỗ tiến sĩ, hiện còn lưu danh ở Văn miếu Quốc tử Giám.
Đặc biệt trong đó, Lê Hữu Mưu là thân phụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, vị Đai danh y làm rạng rỡ nền y học cổ truyền Việt Nam.
Đền thờ và mộ Phạm Công Trứ được xây dựng ở làng Liêu Xuyên, tổng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương.
Nay thuộc thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; đền thờ đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 3211/QĐ ngày 12 tháng 12 năm 1994.
Hàng năm hai lần nhân dân địa phương cùng các con cháu dòng họ lại tế lễ, mở hội vào ngày 17 tháng 3 Âm lịch (ngày sinh) và ngày 28/10 (ngày mất), để tưởng nhớ ông.
Nguyễn Thành Trung