PG Bank: Cổ đông lớn sẽ bán vốn cho ai?

(khoahocdoisong.vn) - Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) quý 3/2020, ghi nhận mức lãi sau thuế gần như đi ngang so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 0,9%). Hoạt động kinh doanh của ngân hàng nhiều năm nay không có tiến triển, lợi nhuận trồi sụt thất thường.

Lợi nhuận lên xuống “có quy luật”

PG Bank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập năm 1993. Sau khi có sự tham gia của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (cổ đông lớn nắm giữ 40% vốn sở hữu PG Bank), ngân hàng đã có những dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, từ năm 2012, kết quả kinh doanh của PG Bank bắt đầu lao dốc, lợi nhuận trước thuế giảm 125% so với năm 2011.

Kết quả kinh doanh lên xuống của PG Bank.

 Kết quả kinh doanh lên xuống của PG Bank.

Trong 8 năm sau đó, lợi nhuận của PG Bank tăng giảm theo quy luật... hình sin, lợi nhuận năm trước tăng thì năm sau sẽ giảm mạnh. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế giảm 657% so với năm 2012. Sang năm 2014, PG Bank lại ghi nhận mức tăng của lợi nhuận sau thuế lên 285% so với năm 2013. Sau đó năm 2015 lợi nhuận lại giảm 69%, năm 2016 tăng 194%. Tương tự, năm 2017 giảm 48%, năm 2018 lại tăng 99% và sang năm 2019 giảm 43%.

Nếu theo “quy luật lên xuống” quen thuộc này, có thể hi vọng lợi nhuận năm 2020 của GP Bank sẽ đi lên. Tính đến 30/9/2020, lợi nhuận trước thuế của PG Bank đạt 132 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông đã đưa ra. Hết tháng 9, thu nhập lãi thuần của PG Bank đạt 649 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và các hoạt động khác giảm lần lượt 33%, 21% và 96% so với cùng kỳ. Điểm sáng mang lại lợi nhuận cho PG Bank là khoản lãi từ hoạt động chứng khoán đầu tư với 36 tỷ đồng, tăng 227%.

Công việc kinh doanh hiệu quả nhất của PG Bank cho đến thời điểm này là góp vốn đầu tư dài hạn. Chỉ với 488 triệu đồng góp vốn, từ năm 2019 đến nay, PG Bank đã thu về khoản lợi nhuận lên tới 18 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2019, các hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của PG Bank trong 9 tháng năm 2020 đều có xu hướng giảm. Kết quả kinh doanh của GP Bank cả năm 2020 có đạt được chỉ tiêu và đi lên theo “quy luật” những năm qua hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào 3 tháng cuối năm. Lưu ý rằng, mặc dù 9 tháng đầu năm 2019, PG Bank vẫn duy trì lợi nhuận tốt, nhưng sang quý 4/2019, ngân hàng báo lỗ 19 tỷ đồng. Điều này kéo theo lợi nhuận cả năm đi xuống, tăng trưởng âm so với năm trước đó.

Áp lực xoá nợ xấu và cơ cấu sở hữu

Trong 9 tháng năm 2020, tổng tài sản của PG Bank đã vượt mức chỉ tiêu đề ra, đạt 34.396 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Vốn huy động từ khách hàng của PG Bank 9 tháng đạt 27.913 tỷ đồng, hoàn thành 94% chỉ tiêu của năm. Tổng dư nợ là 24.886 tỷ đồng, đạt 98,5% chỉ tiêu, đưa tín dụng tăng trưởng 5% so với đầu năm. 

Nhờ các phương án giãn nợ, tái cơ cấu nợ cho khách hàng khó khăn theo Thông tư 01, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của PG Bank trong 9 tháng năm 2020 đã giảm từ 3,16% (cuối năm 2019) xuống 2,87%. Nợ nhóm 4, 5 giảm đáng kể. Tuy nhiên, nợ nhóm 2, 3 tăng cao, dự báo nợ xấu tiềm ẩn bị đẩy sang năm sau.

Nợ xấu của PG Bank tại VAMC tính đến thời điểm 30/9/2020 vẫn còn 913 tỷ đồng. PG Bank đã trích lập 601 tỷ đồng cho những khoản nợ xấu “gửi” tại VAMC. Năm 2020 là kỳ hạn cuối để ngân hàng tất toán những khoản nợ xấu này. Hiện chưa rõ kế hoạch của PG Bank để dọn sạch 913 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC trong những tháng cuối năm. 

Trường hợp không đủ khả năng làm sạch nợ tại VAMC, ngân hàng sẽ tiếp tục phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu VAMC. Điều này đồng nghĩa với lợi nhuận của ngân hàng sẽ sụt giảm hàng năm. Ngoài ra, ngân hàng sẽ không được chia cổ tức cho cổ đông nếu còn nợ xấu bán cho VAMC.

Việc huy động  hàng trăm tỷ đồng để mua lại nợ xấu trong thời gian ngắn đối với PG Bank không phải là điều dễ dàng. Bởi hoạt động kinh doanh của ngân hàng này vốn không có nhiều hiệu quả. Hiện, PG Bank chỉ có thể trông chờ vào hợp đồng sáp nhập với một ngân hàng lớn hơn, hoặc chờ đợi một “mạnh thường quân” giải cứu.

Tháng 9/2018, PG Bank đã trình hồ sơ sáp nhập vào HDBank lên NHNN. Thời điểm này, ngoài Petrolimex là cổ đông lớn nhất nắm 40% vốn, cổ đông cá nhân trong nước nắm 35,86% vốn của PGBank, tổ chức nước ngoài nắm 4,87%, tổ chức trong nước nắm 19,24% vốn của PGBank. 

Tuy nhiên, đến tháng 10/2020, hoạt động sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa hoàn thành. Ngày 24/6/2020, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, đại diện sở hữu vốn của Petrolimex tại PG Bank cho biết, đã "gửi văn bản sang HDBank dưới tư cách một cổ đông thông báo với ngân hàng này, đến ngày 31/8, không thực hiện được vấn đề sáp nhập, Petrolimex sẽ thoái vốn. Điều này có nghĩa sẽ không thực hiện sáp nhập nữa. Nếu 60% cổ đông khác vẫn quyết sáp nhập thì đó là quyền của các cổ đông khác. Còn chúng tôi sở hữu 40% sẽ thoái vốn".

Hiện, chưa có thông tin từ HDBank về việc sáp nhập với PGBank sau thời điểm 31/8/2020. Petrolimex cũng chưa có thông báo thoái vốn khỏi PG Bank. Trước đó, đã xuất hiện thông tin một nhóm pháp nhân, cá nhân đã tiến hành đàm phán mua gom cổ phần PG Bank và hiện đã sở hữu tỷ lệ khá lớn vốn điều lệ của ngân hàng này. 

Thực tế, kết quả hoạt động nhiều năm cho thấy, dù quy mô nhỏ, nhưng PG Bank có chất lượng khá tốt so với các ngân hàng đã phải tiến hành sáp nhập trước đó. Thể hiện cụ thể ở tỷ lệ nợ xấu khá thấp và vẫn có lãi, trong khi lại sở hữu quan hệ chiến lược với Petrolimex. Nói cách khác, PG Bank là khoản đầu tư khá tốt với các tổ chức tín dụng khác trong nỗ lực thâu tóm, sáp nhập để nhanh chóng mở rộng quy mô.

KH&ĐS hiện đang tìm hiểu và sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến chuyển nhượng cổ phần tại PG Bank.

Theo Đời sống
back to top