Trụ sở PiCENZA và Công ty TNHH Hoàng Tử đặt tại số 20 Cát Linh, Hà Nội. |
“Bẻ lái” sang bất động sản
Từ năm 2003 trở lại đây, việc di dời trụ sở các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nội đô Hà Nội bắt đầu diễn ra theo yêu cầu của Chính phủ. Chính vì vậy, cơn sốt nền “đất vàng” của các cơ sở, doanh nghiệp nhà nước có nguy cơ gây ô nhiễm phải di dời đã bắt đầu diễn ra.
Đi kèm theo chủ trương di dời này là hàng loạt doanh nghiệp, gồm cả những doanh nghiệp trong lĩnh vực tư nhân không liên quan tới bất động sản, đã âm thầm tham gia vào các thương vụ “thâu tóm” đất vàng, bằng nhiều cách.
PICENZA cũng vậy, dù là thương hiệu nổi tiếng về nội thất, những năm gần đây doanh nghiệp này dần “bẻ lái” sang đầu tư kinh doanh bất động sản, với hàng loạt các dự án tại Hà Nội và các tỉnh khác.
Tại Hà Nội, trong cơn sốt “đất vàng”, PICENZA cũng góp mặt đầu tư vào 02 dự án bất động sản với nền đất có vị trí đắc địa vốn thuộc doanh nghiệp nhà nước.
Đó là dự án Tòa nhà Hanoi Aqua Central tọa lạc ngay tại trung tâm phố cổ, giữa điểm giao dốc Hàng Bún và phố Cửa Bắc (số 44 Yên Phụ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) và dự án Tòa nhà King Palace nằm ngay tại vị trí “đất vàng” 108 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.
Không giống như các đại gia bất động sản, cách mà PICENZA “vào” các dự án “đất vàng” này hoàn toàn khác, đó là tận dụng vị thế của một thương hiệu lớn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và nội thất.
Dự án King Palace nằm tại 108 Nguyễn Trãi. |
Không trực tiếp “săn” đất vàng
Tại cả 02 dự án: Tòa nhà Hanoi Aqua Central và King Palace, PICENZA đều không phải là đơn vị đại diện, hay trực tiếp “ra mặt” ngay từ đầu để chuyển mục đích sử dụng từ nền đất sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước sang đất ở xây cao ốc.
Với dự án 1,8ha King Palace - hay còn gọi là dự án Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán tại 108 đường Nguyễn Trãi - ban đầu do Công ty CP Dụng cụ số 1 thuê làm trụ sở và nhà xưởng sản xuất.
Năm 2006, UBND TP Hà Nội cho phép doanh nghiệp này liên danh với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội lập dự án đầu tư. Đến tháng 10/2015, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào.
Bên cạnh đó, Công ty CP Dụng cụ số 1 cũng chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào và nhận tiền hỗ trợ với giá trị khoảng 127,531 tỷ đồng.
Tưởng rằng dự án King Palace đã “về tay” Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào - một doanh nghiệp mang hình bóng của Alphanam Group. Tuy nhiên, thực tế, trong Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào đã có sự hiện diện của nhóm cổ đông PICENZA.
Cụ thể, dù ban đầu Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào do: Công ty CP địa ốc Alphanam, ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch HĐQT Alphanam và Công ty TNHH Hoàng Tử sáng lập. Nhưng từ thời điểm tháng 01/2018, Alphanam đã thoái vốn hoàn toàn tại Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào, cá nhân ông Nguyễn Tuấn Hải cũng chỉ còn sở hữu 0,1% cổ phần. Cổ đông còn lại là Công ty TNHH Hoàng Tử vẫn tiếp tục sở hữu tới 45% cổ phần (tương đương 90 tỷ đồng) tại Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào.
Công ty TNHH Hoàng Tử đặt trụ sở chính tại khu “đất vàng” số 20 phố Cát Linh, TP Hà Nội, vốn do nhóm cá nhân ông Nguyễn Văn Hùng, ông Cao Văn Túy và 02 người thân là bà Đặng Thị Lợi và Nguyễn Kim Hoa góp vốn thành lập. Ông Hùng và ông Túy chính là hai cá nhân có vai trò quan trọng tại Công ty TNHH Hoàng Tử và từng chia nhau 2 vị trí chủ chốt ở công ty, là Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc.
Nên biết rằng, nhóm cá nhân lập lên Công ty TNHH Hoàng Tử cũng chính là những cổ đông sáng lập Công ty CP Tập đoàn PICENZA Việt Nam (PICENZA).
Mối liên hệ của PICENZA tại dự án King Palace cũng khá rõ nét khi vào ngày 28/01/2019, PICENZA đã ký hợp đồng tổng thầu thi công với Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào thực hiện gói thầu cung cấp vật tư và thi công cảnh quan, hoàn thiện, nội thất – khối tháp A cho dự án Tòa nhà King Palace. Điều này cũng là dễ hiểu bởi Công ty TNHH Hoàng Từ là cổ đông lớn của Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào.
Với dự án Hà Nội Aqua Central - hay còn gọi Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ thương mại tại Trung tâm phố cổ số 44 Yên Phụ - PICENZA cũng góp mặt theo cách tương tự.
Dự án này có diện tích đất khoảng 6.800m2, vốn nằm trên nền đất do Công ty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội (nay là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội) quản lý, sử dụng từ năm 2005.
Năm 2007, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội ký hợp đồng hợp tác liên doanh, thành lập Công ty CP Tháp nước Hà Nội để thực hiện dự án. Tuy nhiên trong cơ cấu cổ đông của Công ty CP Tháp nước Hà Nội lại có sự xuất hiện của PICENZA.
Theo đó, từ thời điểm tháng 12/2017 PICENZA sở hữu 11,5% cổ phần của Công ty CP Tháp nước Hà Nội. Với tỷ lệ sở hữu này PICENZA là cổ đông lớn thứ ba, sau Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội (sở hữu 48,5%) và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (sở hữu 30%). Đó là chưa kể đến việc, ngày 24/5/2018, UBND TP Hà Nội có văn bản thoái vốn và phê duyệt giá khởi điểm chào bán cổ phần vốn đầu tư của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội tại Công ty CP Tháp nước Hà Nội. Tức là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội sẽ thoái toàn bộ 30% vốn tại Công ty CP Tháp nước Hà Nội và mở cơ hội cho các nhà đầu tư khác thâu tóm số cổ phần này.
Tương tự như dự án King Palace, Công ty TNHH Hoàng Tử là nhà cung cấp gạch ốp, gạch lát, thiết bị vệ sinh cho dự án Tòa nhà Hà Nội Aqua Central, thông qua hợp đồng mua bán với Công ty CP Tháp Nước Hà Nội vào năm 2018.
Lưu ý rằng cả 02 dự án tọa lạc tại những vị trí “đất vàng” trên đều có những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã phát hiện vào năm 2018.