Ô nhiễm kim loại nặng tích tụ trong cá ở sông Đáy - Nhuệ

(khoahocdoisong.vn) - Các nhà khoa học mới đây đã công bố, nồng độ của một số kim loại, như Cd, Pb, Cu và Zn trong nước, trầm tích và tích tụ sinh học trong cơ, mang, thận, gan của cá chép, cá mè trắng và cá rô phi trong hệ thống sông Nhuệ - Đáy.

Đường đi của kim loại nặng

Đây là nghiên cứu được bà Ngô Thị Thúy Hường và Trần Thị Lan Anh, Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Phenikaa (Hà Nội) và Đại học Ghent (Bỉ) công bố tại một hội thảo khoa học của Hội Nữ trí thức Việt Nam. Theo bà Ngô Thị Thúy Hường, kim loại trong môi trường có nguồn gốc từ tự nhiên và chủ yếu là từ các hoạt động của con người (công nghiệp, nông nghiệp...). Các kim loại chứa trong các nguồn ô nhiễm thâm nhập vào môi trường thông qua một chuỗi các quá trình phức tạp bao gồm khuếch tán, hấp thụ, phân hủy dưới tác động của nước ngầm. Các nghiên cứu cho thấy một số kim loại như Cu, Cr, Ni tăng mạnh từ đầu nguồn tới cuối nguồn do tác động của khu vực thành thị và sản xuất nông nghiệp dọc lưu vực sông. Hoạt động khai thác khoáng sản là nguyên nhân chủ yếu ô nhiễm kim loại trong đất.

Tương tự, việc khai thác Cu, Ni tạo ra chất thải mỏ và xỉ gây ô nhiễm đất và nước ngầm. Ô nhiễm kim loại trong hệ sinh thái thủy sinh có liên quan đến sức khỏe cộng đồng vì khả năng tích lũy sinh học của chúng trong các thủy sinh vật bao gồm cả cá được sử dụng làm thực phẩm cho con người. Kim loại có thể tích tụ theo chuỗi thức ăn để gây độc cho động vật thủy sinh, ngay cả ở nồng độ thấp như trong môi trường tự nhiên. Các kim loại được khảo sát trong nghiên cứu này như Cd, Cu và Pb, có thể kết hợp với các hạt lơ lửng và cuối cùng lắng đọng xuống trầm tích. Khi điều kiện hóa lý trong môi trường nước như pH, độ mặn hoặc thế oxy hóa khử thuận lợi, chúng có thể được tái huy động trở lại cột nước và gây độc cho các sinh vật sống trong hoặc gần vùng đáy, ví dụ như nhuyễn thể, cá chép, hoặc cá trôi gây ảnh hưởng xấu đến quá trình tổng hợp và hoạt động của các enzym, gây nhiễu loạn các quá trình sinh hóa và sinh lý của sinh vật.

Cá rô phi có xu hướng tích lũy kim loại nặng cao.

Cá rô phi có xu hướng tích lũy kim loại nặng cao.

Ô nhiễm kim loại nặng cao hơn 43 lần

Lưu vực sông Nhuệ - Đáy, có mật độ dân số cao, đã và đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng do chảy qua các các khu vực dân cư, khu công nghiệp và các làng nghề nên nguồn nước của sông Nhuệ - Đáy có độ đục, oxy hòa tan (DO), chất rắn lơ lửng (SS), hay COD, BOD5, NH4+... đều vượt giới hạn loại A, B theo tiêu chuẩn về chất lượng nước mặt. Hàm lượng kim loại trong nước sông Nhuệ - Đáy đã vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép (TCCP) và không phù hợp cho nuôi trồng thủy sản trực tiếp trên sông, một số kim loại được kiểm tra (As, Cr, Cu, Pb, Ni, Mn và Zn) cao hơn giá trị trung bình cho nước ngọt của thế giới đến 43 lần.

Các mẫu nước, trầm tích và mẫu cá đã được lấy từ sông Nhuệ - Đáy tại 5 khu vực với 39 điểm thu. Mẫu nước và cá thu 4 đợt/năm. Mẫu trầm tích thu 2 đợt trong năm là vào mùa thu và mùa xuân.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng Pb trung bình trong trầm tích sông tại các khu vực nghiên cứu đều vượt quá giới hạn cho phép đối với trầm tích trong các thuỷ vực nước ngọt vào cả mùa xuân và mùa thu. Trong đó, hàm lượng Pb vào mùa xuân cao gấp 3,5 lần và mùa thu cao gấp 1,3 lần tiêu chuẩn cho phép. Zn trong cả hai mùa cũng đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép (315mg/kg) từ 1,2 – 2 lần và Cd cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 1,1 – 1,2 lần. Riêng đối với Cu, trong cả 2 mùa đều có hàm lượng nằm trong ngưỡng cho phép. Mức độ ô nhiễm các kim loại của trầm tích sông so với tiêu chuẩn VN có thể xếp theo thứ tự: Pb > Zn > Cd > Cu.

Khu vực nội thành Hà Nội và đập Thanh Liệt, nơi sông Tô Lịch đổ vào sông Nhuệ là vị trí có mức độ ô nhiễm kim loại trong trầm tích cao nhất so với các khu vực khác trong lưu vực sông. Thượng lưu sông Nhuệ  là vùng có mức độ ô nhiễm tương đối cao. Nhìn chung, hàm lượng kim loại trong trầm tích có xu hướng giảm dần từ thượng lưu xuống hạ lưu của hệ thống sông Nhuệ - Đáy

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cá chép và cá rô phi có xu hướng tích lũy kim loại cao hơn cá mè. Về mức độ tích tụ trong các mô cá khác nhau, thận và gan tích lũy kim loại nhiều nhất, sau đó là mang và cơ. Hầu hết gan, thận đều có nồng độ kim loại cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam. Cơ cá cũng có hàm lượng Pb và Cd vượt TCCP trong một số mẫu. Tuy nhiên, tất cả các giá trị EDI được tính cho cơ đều thấp hơn giá trị khuyến nghị của FAO/WHO (2004). Người tiêu dùng địa phương chưa thấy có mối đe dọa nào đối với việc tiêu thụ cá trong lưu vực sông. Tuy nhiên, từ kết quả này cũng cho thấy, nếu việc ô nhiễm kim loại không được kiểm soát tốt trong lưu vực sông thì kim loại tích tụ trong trầm tích sông sẽ tăng lên,  lượng tích tụ trong cá cũng sẽ tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm đối với sức khỏe ngươi dân khi tiêu thụ cá sông và cá nuôi trong lưu vực sông.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top