Novaland, Kita, Masan,… nỗi lo đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp

Tháng 5/2023, sẽ có hàng loạt trái phiếu của các doanh nghiệp đến hạn phải thanh toán hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó có trái phiếu của Masan, Vingroup, Novaland, Kita, ...

Tờ Nhịp sống thị trường vừa đưa tin, tháng 5/2023, sẽ có 19.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán, không bao gồm trái phiếu của các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, ngày cuối tháng sẽ là thời điểm đáo hạn của lô trái phiếu có giá trị 5.280 tỷ đồng do VinHomes (công ty con của Vingroup) phát hành hồi năm 2020 với kỳ hạn 3 năm và lãi suất năm đầu 9%.

Nhóm Masan có 2 lô đáo hạn trong tháng 5, bao gồm 2.600 tỷ đồng của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (đáo hạn 29/5) và 2.000 tỷ của Masan Group (đã đáo hạn vào 6/5 vừa qua).

Tập đoàn địa ốc mới nổi Kita Invest có 2.100 tỷ đáo hạn đều trong tuần đầu tháng 5.; Novaland “góp” 1.000 tỷ đáo hạn vào 18/5, FE Credit có 900 tỷ,...

Novaland, Gelex, Kita, Masan,… noi lo dao han trai phieu doanh nghiep
Ảnh minh họa, nguồn: baochinhphu.vn

Theo Báo cáo tình hình thị trường trái phiếu quý 1/2023 của Công ty Chứng khoán MBS, sau những biến động mạnh của thị trường trong năm 2022, các nhà đầu tư trở nên dè dặt và lo ngại về những rủi ro chưa được giải quyết, cho dù các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhưng các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn ra khá trầm lắng trong 2 tháng đầu năm.

Sau khi NĐ 08/2023/NĐ-CP được ban hành vào ngày 5/3 thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã sôi động trở lại đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản. Trong Quý 1, có 29.366 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành qua các kênh riêng lẻ và công chúng, giảm khoảng 59% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó có tới 2.400 tỷ đồng được phát hành ra công chúng, chiếm khoảng 8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp huy động. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các năm gần đây, cho thấy chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiến bộ bởi kênh phát hành ra công chúng được đánh giá là minh bạch và công khai hơn.

Kỳ hạn bình quân gia quyền của các trái phiếu huy động là 3,5 năm, nhiều hơn 0,1 năm so với mức trung bình năm 2022. Lãi suất huy động bình quân 10,6%, cao hơn 1,3 điểm phần trăm so với bình quân năm 2022.

Theo Báo có tình hình thị trường trái phiếu của Hiệp hội thị trường trái phiếu, trong Quý I/2023 có 6 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 3.521 tỷ đồng chiếm 12,3% tổng giá trị phát hành và 12 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 25.035 tỷ đồng, chiếm 87,7%.

Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục sụt giảm, thấp hơn 63% so với cùng kỳ. Hoạt động phát hành diễn ra thưa thớt trong 2 tháng đầu năm và chỉ bắt đầu khởi sắc kể từ khi tháng 3 sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành.

Bất động sản vẫn là nhóm ngành chiếm phần lớn giá trị phát hành trong quý với 24.235 tỷ đồng. 7/8 số đợt phát hành của doanh nghiệp có tài sản bảo đảm bằng bất động sản hoặc bảo lãnh từ ngân hàng.

Công bố mới đây của HNX, trong quý I/2023 có 24 tổ chức phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng giá trị 6.472 tỷ đồng. Trong đó có 15 tổ chức phát hành trong danh sách chậm trả là doanh nghiệp bất động sản giữa bối cảnh huy động vốn hạn hẹp và thị trường bất động sản diễn biến bất lợi.

Theo Đời sống
back to top