Nhiều câu hỏi đặt ra là việc nuôi hổ với số lượng lớn này nhằm mục đích gì và vì sao không bị chính quyền địa phương phát giác?
Xây hầm dưới đất để nuôi
Vụ nuôi nhốt hổ trái phép quy mô lớn này được Công an Nghệ An phát hiện, bắt giữ ngày 4.8 vẫn khiến nhiều cư dân mạng bàng hoàng khó tin. Hình ảnh rất đông cảnh sát, cảnh sát cơ động và chó nghiệp vụ được huy động đến xã Đô Thành (H.Yên Thành) để kiểm tra, thu giữ 17 con hổ rồi đưa lên các xe tải chở đi được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội vì quy mô quá “khủng”. Để kiểm tra và lấy mẫu xác định chủng loại hổ, lực lượng chức năng đã bắn gây mê.
|
17 con hổ được cho vào lồng sắt, chuyển đến Khu du lịch sinh thái Mường Thanh để chăm sóc, phục vụ công tác điều tra. Đáng tiếc là trưa qua, một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh cho biết 8/17 con hổ mà cơ quan chức năng thu giữ để chăm sóc đã bị chết chưa rõ nguyên nhân. Xác 8 con hổ chết đã được cấp đông để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã phối hợp Viện KSND, Kiểm lâm tỉnh tiến hành kiểm tra khu vực nhà ở của ông Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi) và vợ là Hồ Thị Thanh (31 tuổi, ở xóm Nam Vực, xã Đô Thành). Tại đây, phát hiện 14 con hổ trưởng thành đang bị nuôi nhốt, mỗi con nặng gần 200 kg. Bà Thanh khai nhận số hổ này được mua từ Lào khi còn là hổ con rồi mang về nhà nuôi. Để tránh bị phát hiện, vợ chồng bà xây chuồng trại diện tích 80 m2 dưới mặt đất để nuôi. Mỗi con hổ được nuôi nhốt riêng trong từng ô chuồng được gia cố bằng bằng thanh sắt và lưới B40.
|
Một tổ công tác khác cũng kiểm tra và phát hiện tại nhà bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi, xóm Phú Xuân) đang nuôi nhốt 3 cá thể hổ trưởng thành, nặng 225 - 265 kg. Để tránh bị phát hiện, chủ nhà cũng xây dựng một tầng hầm diện tích 120 m2 để nuôi nhốt hổ.
Chính quyền không biết?
Trả lời báo chí về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc để xảy ra tình trạng nuôi hổ nhiều như... nuôi lợn, ông Luyện Xuân Huệ, Chủ tịch UBND xã Đô Thành, cho biết xã không biết việc 2 hộ dân này nuôi hổ trong nhà cho đến khi công an xã được huy động trong vụ bắt giữ. Còn ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND H.Yên Thành, cũng cho biết sau khi cơ quan chức năng phát hiện một số vụ nuôi nhốt hổ trái phép tại xã Đô Thành cách đây ít năm, chính quyền đã tuyên truyền nhắc nhở người dân không được nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. Vụ việc lần này thì lãnh đạo huyện mới biết.
Theo tìm hiểu của PV, hổ nuôi trái phép chủ yếu với mục đích nấu cao. Hiện cao hổ cốt được rao bán với giá từ 25 - 35 triệu đồng/lạng. Thời điểm năm 2013, sau khi phát hiện một số gia đình ở xã Đô Thành nuôi hổ trái phép tại nhà, UBND huyện đã phát 3.000 tờ rơi để mọi người tố giác việc nuôi nhốt hổ trái phép. Người dân đã tố giác 3 gia đình có nuôi nhốt hổ nhưng khi đến kiểm tra thì số hổ đã bị tẩu tán.
|
Một luật sư ở Nghệ An cho biết căn cứ thông tin ban đầu về vụ việc do cơ quan chức năng cung cấp, hành vi nuôi nhốt hổ trái phép này có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo điều 244 bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hổ thuộc nhóm IB (lớp thú, bộ thú ăn thịt), căn cứ vào danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định 06/2019, người nuôi nhốt trái phép hổ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Với số lượng hổ nuôi nhốt trái phép trên 12 con sẽ rơi vào khoản 3 điều 244 bộ luật Hình sự, có mức phạt 10 - 15 năm tù.