Nông nghiệp hữu cơ – đừng làm theo phong trào

Năm 2017, nông nghiệp hữu cơ được nói đến rất nhiều. Có người còn coi đó là hướng đi của nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Ngọc Kính,

GS Nguyễn Ngọc Kinh.

Nông nghiệp hữu cơ chỉ là một phương thức canh tác

Gần đây, chúng ta nói tới nông nghiệp hữu cơ (NNHC) như một cứu cánh cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam, là một nhà khoa học, ông nghĩ gì về điều này?

Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương phát triển NNHC ở Việt Nam. Song trên thực tế hiện nay, có nhiều cách hiểu không chuẩn xác, gần như có sự ngộ nhận về NNHC.

Nhiều người dùng cụm từ: nền nông nghiệp công nghệ cao, nền nông nghiệp hữu cơ… Thực ra nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… chỉ là các phương thức sản xuất/canh tác trong sản xuất nông nghiệp, còn NỀN NÔNG NGHIỆP là một định hướng chung, trong đó bao hàm các phương thức canh tác/sản xuất cụ thể.

Vậy, chính xác thì nền nông nghiệp của chúng ta hiện nay là gì?

Trước đây, nước ta có nền nông nghiệp quảng canh với các phương thức canh tác thủ công, giống bản địa, không bón phân hoặc chỉ bón rất ít phân xanh, phân chuồng.

Sau đó là nền nông nghiệp thâm canh với các phương thức canh tác tiến bộ: giống mới có năng suất cao cùng với cơ giới hóa, hóa học hóa… Song do lạm dụng hóa chất, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm và môi trường nên chúng ta hiện nay cần xây dựng một nền nông nghiệp thâm canh và phát triển bền vững nhằm đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn thực phẩm, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Tại sao không thể là một nền NNHC thưa ông, khi mà sản phẩm hữu cơ sạch, an toàn và thân thiện môi trường?

NNHC chỉ là một phương thức canh tác trong nền sản xuất nông nghiệp thâm canh và phát triển bền vững. Thực tiễn sản xuất trên thế giới và trong nước cho thấy năng suất của phương thức canh tác hữu cơ giảm trên dưới 30%.

Thứ nhất, việc bổ sung lượng NPK bằng phân hữu cơ theo nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng để cho năng suất cao là không khả thi vì sẽ cần một khối lượng phân bón rất lớn do hàm lượng NPK trong phân hữu cơ thấp, trong thực tiễn sản xuất không thể đáp ứng được.

Mặt khác, phân hữu cơ được phân giải từ từ nên không đáp ứng được yêu cầu về khối lượng các yếu tố dinh dưỡng theo nhu cầu các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng. Do năng suất cây trồng giảm sút như vậy, cộng với các chi phí khác gia tăng nên giá thành của sản phẩm hữu tăng lên vào khoảng 3-4 lần hoặc cao hơn.

Sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ yêu cầu các điều kiện nghiêm ngặt như:

    – Đất không có kim loại nặng hoặc kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép.

    – Đất canh tác chưa kinh qua sử dụng phân hóa học, nếu đã bón phân hóa học thì phải có 3 năm chuyển đổi, tức là sau 3 năm không bón phân khoáng và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.

   – Khu vực canh tác hữu cơ phải được cách ly để tránh xâm nhập nguồn nước ô nhiễm, tránh xâm nhập ô nhiễm không khí do sử dụng hóa chất BVTV và các nguồn hóa chất khác ở các vùng lân cận.

Năng suất giảm sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực

Đó là nguyên nhân NNHC không thể sản xuất đại trà được?

Đồng Bằng sông Cửu Long làm sao làm được lúa hữu cơ khi điều kiện về đất, về nước như thế, không đáp ứng được các điều kiện nghiêm ngặt của phương thức sản xuất này.

Hơn nữa, năng suất giảm 30% sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Chè cũng không làm  đại trà được, vì đây là cây lấy lá, cần lượng đạm lớn cân đối với P và K. Vậy nên chỉ làm với một số đối tượng cây trồng nhất định. Ví dụ như các loại lúa đặc sản trồng ở trung du, miền núi, hoặc đối với các loại cây dược liệu…

Và cũng chỉ để phục vụ cho một nhóm đối tượng nhất định?

Diện tích đất canh tác NNHC trên toàn thế giới chỉ chiếm 0,96% so với đất canh tác nông nghiệp mà thôi. Ở các nước phát triển có bình quân thu nhập đầu người rất cao, sản phẩm NNHC chỉ dành cho một số đối tượng tiêu dùng là những người kỹ tính và tầng lớp phong lưu. Họ sử dụng sản phẩm NNHC thu lượm được từ tự nhiên và có nhu cầu nhập sản phẩm hữu cơ do các nước khác sản xuất.

Còn họ sản xuất trong nước hoặc nhập rau quả, nông sản chủ lực của ta cũng theo các các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, EUROGAP chứ có theo tiêu chuẩn hữu cơ đâu.

Nhưng có rất nhiều cửa hàng treo biển thực phẩm hữu cơ?

Cơ chế quản lý ở Việt Nam hiện nay, khó nhất là làm sao chứng minh được với người tiêu dùng đâu là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Để tránh sự  ngộ nhận giữa 2 phương thức sản xuất NNHC và sản xuất nông nghiệp sạch an toàn, đồng thời muốn thực sự làm nông nghiệp hữu cơ, doanh nghiệp và người sản xuất phải có hiểu biết về NNHC. Vùng sản xuất hữu cơ phải được quy hoạch, phải công khai làm NNHC theo quy chuẩn nào và phải có cơ quan giám sát có uy tín và cấp giấy chứng nhận sản phẩm.

Sản phẩm hữu cơ không phải dành cho toàn dân

Người tiêu dùng vẫn cho rằng cứ cái gì hữu cơ là tốt, không phải hữu cơ tức là sử dụng hóa chất, là không tốt?

Không chỉ người tiêu dùng, mà ngay cả nhà quản lý, người sản xuất cũng cho rằng phương thức canh tác NNHC chỉ đơn thuần là không sử dụng hóa chất (phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… ).

Cách hiểu này là không toàn diện, đồng thời có sự nhầm lẫn giữa phương thức sản xuất NNHC với sản xuất nông nghiệp sạch; bởi vì trong các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch vẫn sử dụng hóa chất (phân bón, thuốc BVTV…) với một liều lượng hợp lý (trong phạm vi tiêu chuẩn cho phép) mà không ảnh hưởng đến môi trường. Không nên coi chỉ có sản phẩm hữu cơ mới là an toàn và sạch.

Xảy ra sự ngộ nhận này là do lâu nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã quá bức xúc?

An toàn thực phẩm liên quan đến sức khỏe của con người, của mỗi gia đình, đến cả giống nòi. Vì vậy nhu cầu số 1 của người dân là thực phẩm sạch, an toàn. Sản phẩm của  phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn do Bộ NN&PTNT quy định hiện đang triển khai rộng rãi ở khắp các địa phương, tuy có giá bán cao hơn một chút, nhưng với đồng lương và thu nhập hiện tại của người lao động vẫn có thể chấp nhận được, chứ sản phẩm hữu cơ có giá cao như vậy thì đối tượng phục vụ không phải là toàn dân.

Tức là chúng ta nên tập trung vào sản xuất nông nghiệp sạch , an toàn chứ không phải là NNHC?

NNHC chỉ là phân khúc trong nông nghiệp chất lượng cao, chỉ làm NNHC theo đơn đặt hàng của nước ngoài hoặc  của các siêu thị, doanh nghiệp trong nước để tránh làm sản xuất theo phong trào, đến khi sản phẩm hữu cơ làm ra không có nơi tiêu thụ thì sẽ gây thiệt hại cho nông dân. Mặt khác NNHC không có vị trí trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia vì năng suất cây trồng giảm trên dưới 30% trong khi  hàng năm dân số tăng 1,09%.

Vậy tại sao phải sôi sục lên vì NNHC như vậy, thưa ông?

Do có sự ngộ nhận chỉ có sản phẩm NNHC mới là sạch, an toàn nên dẫn đến sự quan tâm đến NNHC quá mức như vậy. Ấy là chưa kể đến tác động của bên ngoài như nhu cầu  sản phẩm NNHC của các nước phát triển mà nước họ không sản xuất.

Được biết, tại diễn đàn quốc tế về NNHC tại Việt Nam, Thủ tướng đã giao cho Bộ NN&PTNT soạn thảo một Nghị định về NNHC. Trong khi đó với các phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn chúng ta chưa có một Nghị định nào, chỉ mới tuyên truyền thôi. Đó là điều đáng tiếc. Bởi vì muốn làm được nông nghiệp sạch, an toàn phải có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người sản xuất…

Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh thực hiện

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top