Mương vô danh – ô nhiễm hiện hữu
Bắt nguồn từ ngõ 192 Lê Trọng Tấn, con mương không có tên thuộc phường Định Công đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp của hàng ngàn hộ dân. Dòng nước đen đặc sủi bọt trắng đóng thành từng mảng trôi nổi dọc con mương bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Với một lượng lớn rác thải sinh hoạt do người dân đổ xuống, lâu ngày phân hủy gây mùi tanh nồng khiến cho bất cứ ai qua đoạn mương cũng phải khiếp sợ. Những hộ dân ven con mương cứ phải đóng cửa kín mít vì hai lý do, một là ngăn mùi hôi thối, hai là ngăn ruồi muỗi bay vào nhà.
Một người cao niên sống ven con mương cho hay, trước đây con mương khá rộng và sạch sẽ, có nhiều cá tôm sinh sống. Thậm chí, nước trong mương còn dùng để giặt giũ quần áo, tưới tắm cho cây trồng. Nhưng khoảng hơn chục năm nay, con mương bị thu hẹp đáng kể do các hộ lấn chiếm và lượng rác thải ùn ứ lấp dần.
Cứ thế, từ ngày này qua ngày khác, từ một con mương xanh trong trở thành một “con mương chết”.
Rác thải ngập "mương chết" tại phường Định Công. |
Trời nắng thì mùi hôi thối bốc lên mạnh nhất, những hộ có người già hoặc trẻ sơ sinh buộc phải di tản sang sống nhờ nhà người thân. Thậm chí, có những sản phụ phải đi thuê nhà trọ cách xa con mương hôi thối này trong thời gian ở cữ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.
Ngày trời mưa, mùi hôi thối ít nồng nặc hơn do nước được pha loãng, nhưng lại xuất hiện nỗi ám ảnh khác. Do rác quá nhiều, dòng chảy lưu thông chậm nên nước trong mương dâng cao tràn cả vào nhà dân kèm theo rác thải và các mảng cáu bẩn. Sau các đợt mưa bao giờ cũng kéo theo dịch bệnh, ruồi muỗi khiến cư dân nơi đây nơm nớp lo sợ bệnh tật.
Đốt rác ngay cạnh con mương. |
Xả thải thạch cao ra mương
Men theo ngõ 60 và 62 Định Công Hạ ra đường lớn, con mương hiện rõ hơn với hình ảnh rác thải trôi nổi trên mặt nước. Nhiều ống cống nước thải từ các hộ dân xả thẳng ra con mương khiến cho mùi xú uế thêm nặng nề hơn.
Tại đoạn mương này, hai ven bờ bị lấn chiếm khá rõ nét. Một số hộ dân xây dựng nhà lấn vào chỉ giới con mương, lại có đoạn bị san lấp bằng phế thải xây dựng. Đáng chú ý, theo phản ánh của người dân ngay đầu ngõ 62 Định Công Hạ có một bãi tập kết vật liệu xây dựng khiến cho lượng cát đá, sỏi tràn cả xuống mương.
Phía cuối con mương, là nơi hàng chục hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm thạch cao. Cặn thải từ bột thạch cao không qua xử lý mà được xả thẳng xuống mương. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng không cấp chính quyền nào xử lý. Người dân cho rằng, các xưởng thạch cao này “góp phần” không nhỏ trong việc “bức tử” con mương.
Phường Định Công là một trong những địa bàn nhiều điểm đen về ô nhiễm môi trường. |
“Các xưởng thạch cao vừa gây bụi vừa xả cặn bột ra mương. Chúng tôi rất bức xúc trước tình trạng này nhưng không thấy chính quyền phường Định Công nhắc nhở hay xử lý gì. Chính vì thế mà nơi đây tập trung rất nhiều xưởng thạch cao gây ô nhiễm môi trường”, một người dân cho biết.
Mặc dù “mương chết” đã ô nhiễm đến đỉnh điểm, cùng với đó là tình trạng rác thải ngập ngụa ven mương và trên mặt nước. Tuy nhiên, người dân cho rằng không bao giờ thấy cấp có thẩm quyền tổ chức khơi thông, nạo vét hay dọn vệ sinh môi trường.
Ngoài rác, con mương phải "gánh" cả cặn thải thạch cao, xác động vật chết. |
Tưới rau bằng nước mương ô nhiễm
Khát nước sạch cho tưới tiêu, người dân phường Định Công lại dùng chính nguồn nước ô nhiễm từ “con mương chết” này để tưới cho hoa màu. Người dân nơi đây nói rằng, không dùng nước mương để tưới cho rau biết thì dùng nước gì.
Một số người nói, các hộ trồng hoa màu thực hiện phương án “rau hai luống, chuồng hai khoang”, luống rau sạch để nhà ăn, còn rau tưới nước mương ô nhiễm thì đem bán.
Tưới rau bằng chính dòng nước ô nhiễm tại con "mương chết". |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cường Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Định Công thừa nhận tình trạng ô nhiễm tại con mương này. Theo ông Hùng, con mương không có tên này bắt nguồn từ quận Thanh Xuân.
Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm tại con mương chính tại hoạt động xả thải, xả rác bừa bãi của người dân. Mặc dù phường đã nhiều lần tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, vì là mương chung nên không ai khóc, tiện tay vứt rác bừa bãi nên con mương ngày càng ô nhiễm.
“Hàng năm đơn vị thoát nước vẫn thực hiện nạo vét, nhưng do lượng rác thải quá nhiều nên nạo vét không xuể. Theo tôi thì con mương phải do Sở xây dựng quản lý và có dự án để đảm bảo vấn đề môi trường. Việc nhiều hộ sản xuất thạch cao xả thải gây ô nhiễm cho con mương là có, phường cũng đã họp nhiều lần và yêu cầu các hộ này phải hợp đồng với đơn vị thu gom rác phế thải chuyển đi, và không xả thải ra mương”, ông Nguyễn Cường Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Định Công.