Mới đây, Vietcombank chi nhánh Thanh Xuân thông báo phát mại tài sản bảo đảm của Công ty CP Phú Tường GSF, với giá khởi điểm là hơn 24,5 tỷ đồng. Đây là bất động sản diện tích hơn 14.500m2 tại xã Ngọc Hòa huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Hay một bất động sản khác cũng đang được Vietcombank rao bán là Biệt thự BT2-7 Khu ĐTM Nghĩa Đô, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội. Diện tích công trình xây dựng trên đất là 315,16 m2. Phương thức phát mại tài sản này là bán thỏa thuận.
Ngoài ra, Vietcombank rao bán nhiều bất động sản dạng nhà ở/căn hộ khác, có giá dao động từ 12- 13,5 tỷ đồng. Trong đó, có thể kể đến bất động sản ở huyện Bình Chánh, Quận Tân Phú, Quận 12... ở TP. HCM.
Bên cạnh bất động sản, Vietcombank cũng đang rao bán nhiều tài sản động sản là xe ô tô, thiết bị máy móc, tàu cá...
Cụ thể, loạt máy móc của công ty TNHH MTV Đêm và Nội thất G.Home được Vietcombank đưa ra thanh lý với giá gần 3,5 tỷ đồng. Hay dây chuyền sàng đậu của Công ty CP Vimag Holdings có giá hơn 467 triệu đồng. Tàu cá vỏ gỗ dịch vụ hậu cần kiêm khai thác thủy sản tại TP.Đà Nẵng có giá hơn 2,1 tỷ đồng,…
Theo báo cáo tài chính được công bố gần đây, nợ xấu của Vietcombank có xu hướng tăng mạnh trong quý 3/2021. Theo đó, cuối tháng 9/2021, nợ xấu của ngân hàng đã lên mức 10.884 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm.
Nguyên nhân do nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đột ngột tăng mạnh, cụ thể, nhóm nợ này cuối tháng 9 là 3.122 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần chỉ trong quý 3 và so với đầu năm đã tăng tới 14 lần.
Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của Vietcombank cũng tăng 122% trong 9 tháng đầu năm lên 1.483 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 45% lên 6.279 tỷ đồng và chiếm 58% trong cơ cấu nợ xấu của Vietcombank.
Sau thời gian dài duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, chỉ loanh quanh 0,6-0,8%; đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Vietcombank đã lên 1,16%.
Đáng chú ý, về tỷ lệ bao phủ nợ (một trong những chỉ số dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu), Vietcombank vẫn là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ bao phủ nợ với 505%, tiếp theo là ACB (297%), TCB (260%), MB (226%) và CTG (225%).
Trong số liệu từ báo cáo tài chính quý 3/2021 vừa công bố, tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng tính đến cuối tháng 9 mới ở mức trung bình 1,76%. Xét tới độ "xấu" trong tài sản một ngân hàng, thường nhà đầu tư sẽ nhìn vào tỷ lệ nợ xấu/tổng tín dụng thay vì tổng nợ xấu.
Nhìn chung, nợ xấu có thể sẽ tiếp tục xấu trong quý 4 và gánh nặng dự phòng rủi ro sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận ngân hàng dịp cuối năm.