Ảnh minh họa.
Chiều nào đón được con về đến nhà là tôi đã mệt lử. Đoạn đường hơn 2km mà có hôm tắc đường phải mất tới 45 phút mới về được. Không khác gì một cuộc chiến. Chân thì chống, tay khuỳnh ra để chen, để lách vào bất cứ chỗ nào trống có thể thoát được.
Tắc đường lại như một cuộc thử thách ai khôn ngoan hơn. Ra khỏi cửa là phải úm ba la xem đi đường nào cho đỡ tắc. Có lần tưởng rẽ được vào ngõ để tránh tắc nào ngờ còn tắc lâu hơn. Hôm nào về đến nhà tay chân cũng mỏi nhừ.
Mà nào đã xong, có hôm nghỉ ngơi một lúc rồi lại lên đường đưa con đi học thêm. Cứ nghĩ đến đoạn đường sắp đi mà ngại.
Chỉ đến tối khi mọi người đã về đông đủ, đã đón đưa con cái hết các lớp học thêm, mới có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã qua một ngày vất vả nhưng an toàn, không sây xước gì. Thế là mừng. Cái niềm vui nhỏ bé đến là thương.
Sống ở cái thành phố này đã mấy chục năm, cũng từng ấy thời gian phải chịu cảnh tắc đường, nhưng tôi thật không thể nào quen nổi.
Lúc đầu tôi định tìm lối thoát bằng cách quan sát những người xung quanh, những người đang cùng chịu cảnh tắc đường như mình, hoặc bắt chuyện với họ… nhưng lại phải dẹp luôn ý định đó bởi vì nhìn mặt ai lúc đó cũng thấy đáng ghét đến thế.
Cậu thanh niên kia đã đi lấn sang đường bên này lại còn hằm hằm như ai tranh mất đường của mình. Không tránh ra, lùi lại cho bên này đi thoát thì chắc định đứng thi gan với nhau ở đây chắc?
Những chuyện đối đầu của hai con dê qua cầu ngày nào cũng gặp. Mấy bà đồng nát trở cồng kềnh thế kia sao chọn giờ này mà ra đường làm gì? Còn gã ở đằng sau cứ bấm còi ầm ĩ, có vượt được đâu mà bấm. Ai cũng cho là mình phải, chỉ có người khác là sai…
Chẳng ai nhường ai. Nếu có định nhường thì sẽ bị người đằng sau quát cho ngay: Sao không chen lên để bên kia nó vượt thế? Có lẽ đây là cái thời điểm bao nhiêu xấu xa người ta phô ra hết cả. Và tất nhiên cả cái mặt mình trông cũng khó coi: cau có, nhăn nhó, khó chịu, bực bội…
Tôi thấy mình đã tốn quá nhiều sức lực vào chuyện đi lại trên đường. Giá những năng lượng đó được dùng vào việc khác thì còn làm được khối việc hay ho.
Minh Anh