Ăn vải, dứa, uống siro… đều tạo ra nồng độ cồn
Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, quy định này cũng khiến nhiều người lo lắng về việc không uống rượu bia, nhưng vẫn có nồng độ cồn do sử dụng một số loại hoa quả (như vải, nho, dứa..), thậm chí là thuốc (như siro ho..), dẫn đến nguy cơ bị xử “oan” nếu phải kiểm tra nồng độ cồn.
BS Trần Văn Phúc, BV Xanh Pôn cho biết, có nhiều lí do để một người không uống một giọt rượu bia nào, nhưng vẫn có nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Ví dụ như các trường hợp sử dụng thuốc uống, nước súc miệng, thực phẩm lên men, hoa quả chín quá mức. Trên thực tế, một số thực phẩm chứa tinh bột hoặc đường có thể xuất hiện phản ứng lên men chuyển hóa thành rượu theo cách tự nhiên, hoặc quá trình chế biến có thêm rượu, mặc dù là lượng rất nhỏ. Chẳng hạn món cá hấp bia, thịt bê sốt rượu Marsala, các món thịt hầm không có rượu sẽ mất hương vị thơm ngon. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thịt hấp nấu có bia rượu sẽ giữ lại 85% lượng cồn, thịt ướp giữ 70% lượng cồn, phải đun kĩ 150 phút thì lượng cồn mới giảm xuống còn 5% so với khi pha chế. Giấm ăn cũng là thực phẩm chứa một lượng nhỏ cồn. Ngoài ra, hoa quả và trái cây chứa đường chín quá mức, một số đồ uống từ trái cây, một số loại nước tăng lực, cũng có thể chứa cồn.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trên thực tế có một số thực phẩm khi sử dụng có thể làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể. Về thức ăn thì có sô cô la, hoặc các thức ăn có nguồn gốc tinh bột, đường (hoa quả), nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài có thể lên men. Thuốc thì có xiro cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng họng… Tuy vậy khi tiến hành xử phạt nồng độ cồn, các cơ quan chức năng cũng đã có các phương án tính toán để xác định chính xác đâu là do uống rượu bia, đâu là do ăn thực phẩm lên men.
Nồng độ cồn từ thực phẩm sẽ hết nhanh
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, máy đo nồng độ cồn không xác định được rõ ràng đối tượng uống rượu bia hay không mà có một đặc điểm duy nhất là cực nhạy cảm với nồng độ cồn. Việc uống các siro có cồn, hoa quả lên men hay ăn rượu nếp tức là cũng hấp thu một lượng rượu nhất định. Nếu vừa uống hay vừa ăn xong thì có thể có nồng độ rượu trong máu và hơi thở ở mức độ nào đó nhưng do lượng rượu này rất thấp nên cơ thể sẽ chuyển hóa hết khá nhanh. Một số loại trái cây có hàm lượng đường cao khác như nho, dứa, táo, chuối, sầu riêng, xoài… cũng có thể tạo ra lượng cồn nhất định trong hơi thở, nhưng ở mức rất thấp và cũng đều bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn.
Theo các chuyên gia, nguyên tắc quan trọng hàng đầu vẫn là trước khi tham gia giao thông, tuyệt đối không được uống rượu bia. Việc ăn nhiều những loại trái cây này hay uống siro, uống thuốc đã lên men cũng không có gì đáng lo. Vì theo luật, ngoài việc thổi, người vi phạm còn có quyền yêu cầu test nhanh nồng độ cồn trong máu.
Khi ăn những thực phẩm có khả năng tạo ra cồn, nên súc miệng thật kỹ. Trước khi lái xe cần có thời gian ngồi nghỉ 30-60 phút. Trường hợp người dân có sử dụng các loại thực phẩm, thuốc có chứa ethanol thì lưu ý nên nghỉ ngơi ít nhất từ 15 phút đến nửa tiếng rồi mới tham gia giao thông.
Chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Quang Nhật, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong quá trình lập biên bản, người vi phạm có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn. Nếu chưa rõ ràng, người vi phạm giao thông sẽ được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác.
Bảo Khánh