Những thách thức trong giai đoạn phát triển kinh tế đến năm 2045 của Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Trong bối cạnh hội nhập quốc tế sâu, rộng, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Một trong những thách thức đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn tới đó là nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Khi cơ hội cũng là áp lực

Giai đoạn tới, thế giới dưới tác động của Covid-19 vẫn phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng, như: khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 với sự bùng nổ của công nghệ số đã tạo ra nhiều sự đột phá trên nhiều lĩnh vực. 

Trong bối cạnh hội nhập quốc tế sâu, rộng, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Một trong những thách thức đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn tới đó là nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra được 3 mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn. Cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.  Đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường của thế giới cũng như khu vực Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, áp lực để hoàn thành mục tiêu.

Trước tiên, đại dịch Covid-19 dù đã được kiểm soát khá tốt tại Việt Nam, nhưng còn nhiều diễn biến phức tạp tại các quốc gia khác trên thế giới. Mặc dù nhiều nước đã thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng văcxin ngừa Covid-19, nhưng nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng thế giới bên cạnh việc khắc phục Covid-19 còn có thể sẽ phải đối mặt với virus mới. Ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm.

Hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng về kinh tế và tác động nặng nề nhất là tăng gánh nặng nợ công của Việt Nam. Việc chi tiêu nhiều cho quá trình phòng ngừa dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc giảm thiểu tác động của dịch bệnh có thế phải gánh chịu áp lực gia tăng nợ công. Khoản nợ này có thể kéo dài và trở thành thách thức đối với quốc gia khi làm chậm quá trình phát triển kinh tế.

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu có thể là một cơ hội lớn với những doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu vốn đang khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhưng cũng sẽ là một thách thức lớn khi họ phải đảm bảo về số lượng và chất lượng tương ứng.

Trong khi đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam đến nay còn chưa hiệu quả. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã có những bước chuyển dịch khá nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều yếu tố cần thiết đảm bảo cho phát triển cơ cấu kinh tế hiện đại chưa được đảm bảo cụ thể như: Chất lượng nguồn nhân lực nước ta còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, quy mô doanh nghiệp nhỏ, chuỗi cung ứng sản phẩm yếu…Cùng với đó, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn tương đối thấp, xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào nhóm hàng do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dẫn dắt làm cho kinh ngạch xuất khẩu mặc dù tăng nhưng hàm lượng nội địa không tăng tương ứng. Để có cơ cấu kinh tế hiện đại, cần một khoảng thời gian khá dài để điều chỉnh.

Chiến lược là then chốt, nhưng thích ứng quan trọng không kém

Trong giai đoạn vừa qua Việt Nam đã hoàn tất nhiều hiệp định thương mại lớn với các nước trong khu vực và thế giới, từ đó mở ra những cơ hội trong phát triển kinh tế, sự tham gia thị trường lớn của doanh nghiệp Việt. Song song đó là những thách thức doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt. Việt Nam sẽ phải hoàn chỉnh hệ thống pháp lý để phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới trong quá trình tham gia các hiệp định thương mại đó.

Đồng thời, việc đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia các hiệp định thương mại không phải là điều dễ dàng với đại đa số doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ những tập đoàn và doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới ngay trên thị trường Việt Nam. Sự thua kém trong cạnh tranh có thể khiến Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam chịu thua thiệt ngay trên sân nhà. Thực tế cho thấy độ mở nền kinh tế càng cao thì nguy cơ dễ tổn thương càng lớn trước sự tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, rào cản thương mại, cú sốc giá hay từ sự thay đổi chính sách của các quốc gia nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.

Bên cạnh những lợi ích, tác động tích cực tới kinh tế và xã hội của các quốc gia, CMCN 4.0 còn kéo theo những hệ quả nhất định. CMCN sẽ làm thay đổi cơ cấu lao động hoặc thậm chí phá vỡ thị trường lao động, dẫn tới sự bất bình đẳng lớn hơn trong xã hội khi tự động hóa dần thay thế cho con người. Cũng từ đây, tỉ lệ thất nghiệp có thể gia tăng khi người lao động dần bị thay thế bởi máy móc.

Một trong những thách thức Việt Nam phải đối mặt là về sự phát triển tương ứng của cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở hạ tầng cho công nghệ. Trong những năm vừa qua Việt Nam đã có sự phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng công nghệ nhưng so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn có khoảng cách rất lớn.

Thêm vào đó, sự chuyển đổi quá nhanh sang nền kinh tế số trong khi đại đa số người dân của Việt Nam còn có trình độ công nghệ thấp đã dẫn tới sự khập khiễng và khó khăn. CMCN với sự phát triển của mạng internet, kinh tế số, AI,… đòi hỏi một sự bảo mật cao cho người sử dụng. Tuy nhiên, vấn đề an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay mới chỉ ở bước sơ khai, một số lĩnh vực then chốt của nhà nước mới ứng dụng, những ngành nghề khác chưa được quan tâm. Hoặc, tự bản thân doanh nghiệp lớn sẽ có ý thức trong an ninh mạng. 

Việt Nam theo đuổi mục tiêu thu nhập từ trung bình thấp tới trung bình cao cho giai đoạn 2025-2045. Nếu không có một chiến lược phát triển phù hợp với tình hình chung của đất nước, khu vực và thế giới, Việt Nam dễ phải đối mặt với những bẫy thu nhập. Khoảng cách thu nhập giữa các cá nhân, giữa khu vực thành thị và nông thôn có thể bị giãn cách ngày một rộng

Kinh tế Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên theo chiều rộng, trong đó đất đai, tài nguyên rừng, thủy điện được sử dụng nhiều, không kiểm soát dẫn tới phá vỡ quy hoạch phát triển nhiều vùng kinh tế, gây mất cân bằng sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng lớn tới ổn định kinh tế - xã hội và môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam trong tiến trình đạt mục tiêu phát triển bền vững ở cả ba trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường. Đặc biệt, Việt Nam là nước nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng nước biển xâm nhập sâu và rộng, bão lũ, thiên tai  diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Biến đổi khí hậu thực sự trở thành mối đe dọa đảm bảo bền vững an ninh lương thực và sinh kế cho người dân Việt Nam. Việc đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Theo KH&ĐS
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top