Khổ thế, chả biết từ bao giờ, chuyện thi cử không chỉ căng thẳng với thí sinh, mà với cha mẹ còn có một áp lực nữa, đó là sự quan tâm của những người xung quanh.
Thực ra điểm số chỉ là sự đánh giá về lực học vào một thời điểm mà thôi. Thi thủ khoa đầu vào, nhưng nếu không cố gắng phấn đấu… thì chưa chắc sau đó đã giữ được phong độ. Ngược lại, điểm thi không cao, nhưng chọn đúng thầy tốt, cùng với sự nỗ lực của bản thân, sau đó có thể đạt được những thành tích tốt.
Khổ nỗi, nhiều khi chúng ta chỉ quan tâm đến cái kết quả cuối cùng là những kỳ thi mà không để ý tới năng khiếu, sở thích và những phẩm chất khác.
Ai cũng có một thời học sinh, có những lo lắng về việc thi cử, có những lúc một bài thi điểm kém cũng khiến ta tuyệt vọng tưởng như mọi cánh cửa vào tương lai đều đóng sầm lại trước mặt ta. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi.
Hình minh họa.
Mỗi người rồi sẽ tìm được một vị trí cho mình trong cuộc sống. Rồi vài ba chục năm nữa trở về họp lớp, những nỗi buồn của ngày hôm nay sẽ chỉ còn là những kỷ niệm êm đềm của tuổi học trò.
Vậy thì đừng làm khổ nhau vì những kỳ thi. Kết quả cao thì vào trường tốt. Điểm thấp hơn thì vào trường vừa vừa. Thấp nữa thì vào trường kém. Có làm sao đâu, đó là sự chọn lọc tự nhiên. Mấy trăm nghìn người thi đâu phải ai cũng vào trường top trên hết được.
Mà cuộc đời này có rất nhiều kỳ thi. Mỗi một kỳ thi là để đánh dấu sự trưởng thành của mỗi người. Trưởng thành không những chỉ về kiến thức mà còn cả về cách ta đối mặt với cuộc đời, đối mặt với cả thành công và cả những thất bại.
Và có những kỳ thi không ai để ý, có khi chẳng ai biết, bởi giám khảo, người chấm thi là chính mỗi chúng ta. Đó là khi gặp người bị nạn ta quay đi không giúp, nhặt được tiền rơi không trả cho người mất, khi ta làm một việc xấu hay lờ đi cho người khác làm việc xấu, nhận tiền hối lộ, tham ô, tham nhũng…có khi chẳng ai nhìn thấy, ngoài ta.
Không ai đánh giá hay cho điểm nhưng nó quyết định ta sẽ trở thành người tốt hay xấu. Đó mới là những kỳ thi quan trọng.
Minh Anh