Nhìn lại chuỗi Apax English của Shark Thủy trước khi bị bắt?

Với số lượng trung tâm không ngừng mở rộng với tốc độ chóng mặt, hệ thống giáo dục của Apax Holdings có thời điểm tăng trưởng nóng doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng vào năm 2018 và tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Thông tin từ Bộ Công an ngày 26/3 cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy), Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup. Ông Thủy bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup.
Ngay sau khi Shark Thủy bị bắt, Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup đã phát đi thông cáo cho biết ông Thủy đã ủy quyền điều hành và chuyển toàn bộ quyền sở hữu cổ phần, quyền cổ đông tập đoàn và công ty con Egame cho bà Nguyễn Thị Dung. Bà Dung là em gái ruột của ông Thủy, đang đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị Egame và thành viên ban lãnh đạo Egroup.
Chuoi Apax English cua Shark Thuy tung khung the nao truoc khi bi bat?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy). Ảnh: Vietnamnet.
Nổi danh với Apax
Tìm hiểu được biết, Egroup được Shark Thủy thành lập năm 2008. Hệ sinh thái của tập đoàn này trải rộng nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm. Trong đó, nổi bật nhất là Công ty CP đầu tư Apax Holdings (mã: IBC) - công ty duy nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán, đứng sau loạt thương hiệu Apax English, Apax Leaders, mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia... Tại thời điểm cuối năm 2022, Egroup sở hữu 59,76% vốn điều lệ của IBC và Shark Thủy sở hữu 6,17% vốn IBC.
Thông tin trên báo chí, Apax Holdings nắm 66,36% vốn tại Công ty CP Anh ngữ Apax (Apax English/Apax Leaders). Vào thời hoàng kim, hệ thống giáo dục của Apax Holdings có thời điểm tăng trưởng nóng với số lượng trung tâm không ngừng mở rộng với “tốc độ Thánh Gióng” và được đánh giá trở thành chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn nhất Việt Nam. Theo giới thiệu, hệ thống này khi cao điểm có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh, thành với khoảng 120.000 học viên theo học.
Doanh thu của hệ thống cũng tăng mạnh qua các năm. Năm 2017, Apax Holdings báo cáo doanh thu thuần tăng đạt xấp xỉ 550 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng và lên 1.678 tỷ đồng trong năm 2019, tiếp tục tăng lên 2.000 tỷ trong năm 2020.
Theo Dân trí cho hay, Apax English xuất hiện năm 2015 và ngay trong năm đầu đã gây chú ý với 12 trung tâm tại Hà Nội và hơn 6.000 học viên. Đến cuối năm 2016, Apax đạt 25 trung tâm, doanh thu 200 tỷ đồng. Năm 2017, Apax có trong tay 55 trung tâm, thu hút hơn 40.000 học viên, con số này thời điểm bấy giờ được đánh giá sánh ngang thành quả sau 20 năm của nhiều ông lớn đi trước.
Năm 2018, Apax có bước ngoặt chiến lược khi "Nam tiến", chinh phục thị trường lớn và khó nhất nước với thương hiệu mới: Apax Leaders. So với Apax English, Apax Leaders được giới thiệu là cung cấp thêm kỹ năng thành công (leadership skills) và hoạt động STEAM hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Đến 2021, phía Apax cho biết, với hơn 120 trung tâm tại hơn 32 tỉnh, thành, Apax Leaders đã bỏ xa nhiều đơn vị đào tạo tiếng Anh cùng phân khúc trên thị trường như Apollo (50 trung tâm), ILA (44 trung tâm) và VUS (41 trung tâm).
Nhấn chìm bởi nợ nần
Đang trên đà phát triển, dịch Covid-19 xuất hiện, toàn bộ hệ thống phải đóng cửa đã khiến doanh nghiệp của ông Thuỷ mất đi nguồn thu chính, hoạt động kinh doanh cốt lõi “đóng băng” hoàn toàn.
Dữ liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất tự lập quý IV/2022 của Apax Holdings cho thấy, tính đến cuối năm 2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu (1.520 tỷ đồng). Trong đó, tổng vay và nợ thuê tài chính là 1.915 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn gần 617 tỷ đồng và vay nợ dài hạn là 1.298 tỷ đồng. Tại thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, tại thời điểm 30/9/2022, Apax Holdings có dư nợ trái phiếu ở mức 1.130,9 tỷ đồng.
Chuoi Apax English cua Shark Thuy tung khung the nao truoc khi bi bat?-Hinh-2
Anh ngữ Apax đứng đầu danh sách nợ tiền bảo hiểm trên địa bàn Hà Nội.
Lũy kế năm 2022, Apax Holdings ghi nhận doanh thu thuần gần 1.336 tỷ đồng và lỗ sau thuế 81 tỷ đồng (lỗ ròng của công ty mẹ gần 87 tỷ đồng) so với mức lãi ròng hơn 112 tỷ đồng năm 2021.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tại khoản mục Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước hồi cuối năm 2022 của Apax Holdings, số dư lên tới 166 tỷ đồng. Ngoài ra các khoản khác như phải trả người bán ngắn hạn gần 196 tỷ đồng, người mua trả tiền trước là 113 tỷ đồng, phải trả người lao động gần 59 tỷ đồng.
Thời điểm này cũng là giai đoạn chuỗi trung tâm Apax Leaders - Apax English của Apax Holdings liên tục vướng lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên, bị phụ huynh đòi hoàn học phí… Hàng loạt phụ huynh đã đến Apax Leaders để khiếu nại, yêu cầu hoàn trả học phí với lý do trung tâm không thực hiện đúng cam kết.
Năm 2023, Shark Thủy cũng bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Bên cạnh đó, hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader cũng bị các phụ huynh của trung tâm này phản ánh được yêu cầu đóng tiền học trước, tuy nhiên sau một thời gian, các trung tâm đột ngột đóng cửa hoặc chuyển sang giảng dạy online.
Trước sức ép từ các phụ huynh, đầu năm 2023, sau cuộc đối thoại, Shark Thủy hứa sẽ trả học phí, chia làm 2 đợt. Tuy nhiên, đến tháng 10, nhiều phụ huynh kéo đến trung tâm của Apax Leaders để đòi tiền vì chưa nhận được học phí còn thừa như cam kết...
Trong một văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) hồi tháng 11/2022, ông Nguyễn Ngọc Thủy đã thừa nhận những vấn đề được báo chí đưa ra (về việc nhiều trung tâm bị giáo viên tố nợ lương, phụ huynh đòi tiền) đang là những tồn tại của Apax English. Lãnh đạo của Apax English đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.
“Lùm xùm” nợ nần khiến cổ phiếu IBC của Apax Holdings có pha giảm sàn kéo dài tới 26 phiên liên tục giai đoạn tháng 12/2022 và ông Nguyễn Ngọc Thủy phải giải trình liên tục 5 lần về nguyên nhân giảm sàn. Cú trượt dốc chưa từng thấy trong lịch sử niêm yết đã khiến thị giá IBC "bốc hơi" 85% chỉ trong thời gian ngắn, vốn hóa thị trường bị thổi bay 1.100 tỷ đồng.
Gần nhất, đến tháng 11/2023, HoSE thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC của Công ty CP Đầu tư Apax Holdings theo quy định. HoSE cho biết, cổ phiếu IBC của Apax Holdings đang nằm trong 3 diện theo dõi vi phạm.
Cụ thể, diện "đình chỉ giao dịch" do Apax Holdings tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Cùng đó, diện "kiểm soát" do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Cuối cùng, diện "cảnh báo" do công ty chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Theo HoSE, tính đến ngày 21/11/2023, Apax Holdings vẫn chưa công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, báo cáo tài chính quý I, quý II/2023, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023 và chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.
Kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch, các vi phạm công bố thông tin của Apax Holdings chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông. Do đó, HoSE đã hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC từ ngày 6/12/2023.
Ở diễn biến liên quan, đáng chú ý, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2024, Công ty CP Anh ngữ Apax ghi nhận đứng đầu danh sách chậm đóng bảo hiểm với số tiền nợ lên đến 57,1 tỷ đồng. Số tháng chậm đóng được thống kê là 48 tháng, tương ứng 4 năm.
Theo Đời sống
back to top