Tiền chùa mặc sức chi?
Công ty Bò sữa là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (SAGRI) hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt thấp, lợi nhuận chủ yếu từ tiền lãi gửi ngân hàng, ngành sản xuất kinh doanh chính là chăn nuôi, trồng trọt đều thua lỗ.
Về quản lý đất đai, Công ty Bò sữa được Nhà nước giao quản lý, sử dụng số lượng diện tích đất hơn 3.392,7ha, chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 99%, trải rộng trên nhiều xã nên công tác quản lý sử dụng gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy lợi thế, hiệu quả sử dụng đất.
Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt thấp, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 12,8% kế hoạch (1,964/15,255 triệu đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn 15,37%. Công tác quản lý, đối chiếu, xác nhận, đôn đốc thu hồi nợ chưa đầy đủ theo quy định, có những khoản nợ phải thu để kéo dài nhiều năm.
Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt thấp, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 12,8% kế hoạch (1,964/15,255 triệu đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn 15,37%. |
Việc Công ty Bò sữa triển khai Dự án “Chăn nuôi bò giống, bò thịt” tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng không mang lại hiệu quả, lỗ lũy kế đến năm 2015 là hơn 11,2 tỷ đồng, dự án sử dụng 236,987ha đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Do đó, Hội đồng Thành viên, Giám đốc Công ty Bò sữa; Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc SAGRI đã thống nhất chuyển nhượng dự án cho VINECO nhằm thu hồi vốn đã đầu tư.
Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Bò sữa chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính chuyển mục đích sử dụng 2.838m2 đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng và xin phép xây dựng mà đã tiến hành xây dựng là vi phạm Luật Đất đai 2003…
Ngoài ra, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Công ty Bò sữa sử dụng đất sản xuất nông nghiệp theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, nên không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà chỉ được bán tài sản hợp pháp trên đất, hoặc chuyển nhượng dự án trong khi giá trị dự án theo thẩm định là hơn 58,63 tỷ đồng đã tính cả giá trị đất và tài sản trên đất. Như vậy, so với giá trị đầu tư còn lại thì giá trị chuyển nhượng cao hơn 35,63 tỷ đồng (59,246 - 23,716). So với giá trị thẩm định thì giá trị chuyển nhượng dự án cao hơn 617,775 triệu đồng (59,246 tỷ đồng - 58,631 tỷ đồng).
Tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến sữa Củ Chi, thời gian thực hiện trong 2 năm (2013 - 2014) nhưng đến nay mới đầu tư hơn 14,6 tỷ đồng/273,02 tỷ đồng, chỉ đạt 5,1% dự toán. Đến nay, dự án chậm tiến độ và tạm ngưng thực hiện theo ý kiến của Tổng Giám đốc SAGRI mà không báo cáo thông qua Hội đồng thành viên Tổng Công ty, gây lãng phí, không phát huy hiệu quả vốn đầu tư.
Đối với việc góp vốn thực hiện Dự án trồng cao su tại Lào với diện tích 10.000ha từ năm 2006, kết luận của Thanh tra TPHCM cho thấy, dự án không thực hiện theo phương án đề ra. Diện tích lúc đầu là 10.000ha, sau đó giảm xuống còn 6.000ha, thực tế chỉ trồng được 2.800ha cao su nhưng sau đó đã thanh lý hơn 1.800ha do cao su bị chết, hiện chỉ quản lý, khai thác 1.000ha cây cao su. Số vốn mà Công ty Bò sữa đã góp đến ngày 31/12/2018 là 27 tỷ đồng.
Thanh tra TPHCM cho rằng, cần kiểm tra kết quả góp vốn thực hiện dự án của các cổ đông góp vốn trực thuộc UBND TPHCM (Lực lượng Thanh niên xung phong 153,7 tỷ đồng, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn 4 tỷ đồng, Tổng Công ty thương mại Sài Gòn 15 tỷ đồng và Quỹ đầu tư và phát triển đô thị 26 tỷ đồng) để đánh giá toàn diện hiệu quả đầu tư dự án, xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để có biện pháp xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.
Nguy cơ mất vốn nhà nước?
Trước những sai phạm tại các dự án góp vốn thực hiện không hiệu quả, chậm tiến độ dẫn đến lãng phí, không phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Thanh tra TPHCM nêu rõ trách nhiệm thuộc về Chủ tịch Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, phụ trách dự án của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Giám đốc, Kế toán trưởng và cá nhân liên quan của Công ty Bò sữa thời kỳ có liên quan cần kiểm điểm nghiêm túc.
Chủ tịch UBND TPHCM giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, đề xuất hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân thời kỳ có liên quan của SAGRI, Công ty Bò sữa về các sai phạm liên quan trong quản lý, sử dụng đất đai; quản lý vốn, tài sản và thực hiện các dự án. |
Sau khi Thanh tra TPHCM ban hành kết luận thanh tra, ngày 9/4/2020, Văn phòng UBND TPHCM đã có thông báo về kết luận chỉ đạo, xử lý của Chủ tịch UBND TPHCM. Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo, giao Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Giám đốc Công ty Bò sữa tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc quản lý tài chính, quản lý vốn, tài sản tiết kiệm, phát huy hiệu quả việc sử dụng đất, vốn Nhà nước.
Chấn chỉnh công tác quản lý tài chính kế toán, khẩn trương có biện pháp xử lý thu hồi dứt điểm các khoản công nợ phải thu để đảm bảo thu hồi vốn, bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của công ty.
Khẩn trương rà soát xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; lập phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định. Tổ chức kiểm điểm xác định nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra các sai phạm như kết luận thanh tra đã nêu.
Cùng với đó, giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn Công ty Bò sữa thực hiện các nội dung được giao theo Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sữa tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi theo thẩm quyền.
Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Công ty Bò sữa về nghiệp vụ để sớm hoàn thiện hồ sơ đo đạc để lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ đối với diện tích 390,86ha; đất tranh chấp, đất xin tăng diện tích, điều chỉnh ranh khoảng 120,44ha.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TPHCM cũng giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, đề xuất hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân thời kỳ có liên quan của SAGRI, Công ty Bò sữa về các sai phạm liên quan trong quản lý, sử dụng đất đai; quản lý vốn, tài sản và thực hiện các dự án.
Tham mưu UBND TPHCM sớm kiện toàn bộ máy lãnh đạo quản lý, tổ chức nhận sự của Công ty Bò sữa đảm bảo đủ năng lực quản lý, điều hành công ty, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn tài sản Nhà nước, đất đai.