Nhiều doanh nghiệp FDI lên kế hoạch mở rộng sản xuất

(khoahocdoisong.vn) - Có 67% doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. 47% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại nước ta.

Cùng nhận định với triển vọng của kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp từ Hoa Kỳ và Hàn Quốc cũng đều xem xét kế hoạch mở rộng sản xuất.

Nestlé mới công bố khoản đầu tư 132 triệu USD trong 2 năm tới nhằm xây dựng nhà máy mới ở Đồng Nai. Samsung cũng công bố sẽ đầu tư thêm 1,4 tỷ USD vào nhà máy tại khu công nghiệp ở Hải Phòng, Tetra Pak, doanh nghiệp đến từ Thuỵ Điển cũng công bố đầu tư thêm 5,8 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy 140,3 triệu USD tại Bình Dương.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/9/2021, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ).

Tính tổng, hiện cả nước có 34.141 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD. Khu vực này phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngân sách, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, các nhà đầu tư vẫn đang tin tưởng vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Cơ sở cho nhận định là tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính 20/9 vẫn tăng 4,4% so với cùng kỳ 2020. Như vậy, những khó khăn dịch bệnh chỉ là tạm thời.

Giám đốc quốc gia ADB Andrew Jeffries cũng khẳng định chỉ có một số đơn hàng được chuyển đi, còn thông tin doanh nghiệp dịch chuyển là không chính xác.

Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, mục tiêu đặt ra đến 2025 có khoảng 1.000 doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ đủ cung cấp cho các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Đến năm 2030, sẽ có 2.000 doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ.

Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư nước ngoài từ xu hướng đa dạng hóa và tái định vị sản xuất thuộc các ngành công nghệ cao; đổi mới sáng tạo; có sự lan tỏa, trong đó nhà đầu tư cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, gắn với hợp tác đào tạo nhân lực; nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Theo Đời sống
back to top