Cho thuê đất vô tội vạ, “giá bèo”
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, nhiều bộ, ngành đã thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất công không đúng quy định. Cụ thể như, tại Bộ Y tế, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Viện Dược liệu, Viện Văcxin và Sinh phẩm y tế sử dụng cơ sở nhà đất cho thuê, kinh doanh không đúng chức năng, nhiệm vụ.
Văn phòng Bộ Y tế đã cho thuê trái thẩm quyền, giao cho Công đoàn ngành quản lý thu chi nhưng không phản ánh trên Báo cáo quản trị, Báo cáo tài chính. Công đoàn ký 17 hợp đồng với các cá nhân cho thuê ki ốt đơn giá thuê từ 519.915 - 712.351đ/m2/tháng nhưng chưa lập đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chưa tổ chức đấu giá cho thuê tài sản, chưa có văn bản phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, Chủ tịch công đoàn cơ quan đã ký 2 hợp đồng hợp tác kinh doanh với 2 công ty thực chất là cho thuê cơ sở vật chất, tuy nhiên, chưa lập đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chưa tổ chức đấu thầu cho thuê tài sản và chưa được cấp có thẩm quyền ủy quyền cho ký hợp đồng cho thuê. Trong khi đó, đơn giá cho thuê cơ bản không thay đổi từ năm 2015. Những điều này là trái quy định - theo Kiểm toán Nhà nước.
Bên cạnh đó, hầu hết các đơn vị sự nghiệp của Bộ Y tế có cơ sở nhà đất cho thuê không thực hiện xây dựng Đề án sử dụng tài sản công theo quy định. Trong đó, Viện Dược liệu cho thuê cơ sở nhà, đất không thực hiện đấu giá, không điều chỉnh giá cho thuê theo biến động của thị trường trong thời gian dài, làm giảm tính kinh tế, hiệu quả của tài sản công, lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Các đơn vị trực thuộc Bộ đã thu được số tiền 71,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí và nộp thuế, số còn lại 56,131 tỷ đồng được sử dụng trích lập các quỹ và chi hoạt động thường xuyên không đúng quy định.
Trong khi đó, Bộ VH-TT&DL để một số hộ gia đình sử dụng đất sinh hoạt trong khuôn viên các nhà hát (Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam). Và cho mượn diện tích sử dụng chưa có phê duyệt của Bộ chủ quản và biên bản bàn giao tài sản (Liên đoàn Xiếc Việt Nam).
Tính đến thời điểm 31/12/2019, có 33 đơn vị của Bộ VH-TT&DL sử dụng tài sản thực hiện liên kết kinh doanh cơ sở vật chất thời gian từ 1 - 10 năm, mục đích liên kết hoạt động dịch vụ (cà phê và dịch vụ phụ trợ…), tổng số tiền thu được từ hoạt động này trong năm 2019 là 117,383 tỷ đồng trong đó số thu tại các đơn vị được Bộ chấp thuận là 68,272 tỷ đồng, số thu của các đơn vị chưa có đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê là 49,111 tỷ đồng; ký hợp đồng cho thuê đất, tài sản trên đất nhưng giá cho thuê chưa thực hiện đấu giá (Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học Thể dục Thể thao).
Ngoài ra, các đơn vị Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học Thể dục Thể thao đã sử dụng tài sản trên đất cho thuê khi chưa lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê. Học viện Múa Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cũng chưa nộp tiền thuê đất theo quy định.
“Tại Nhà hát Lớn Hà Nội hợp đồng quy định thời gian liên doanh, liên kết vượt 3 năm so với chủ trương của Bộ VH-TT&DL cho phép, năm 2011 Nhà hát Lớn Hà Nội được công nhận là di sản văn hóa nên việc cho thuê, liên doanh, liên kết và việc bên đối tác tự ý cải tạo một số hạng mục bên trong Nhà hát là chưa đúng quy định” - Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Đối tác đã tự cải tạo một số hạng mục tại Nhà hát Lớn Hà Nội - Ảnh internet. |
Trường cho "mượn" nhà, Bộ “quên” tiền thuê đất
Không chỉ có vậy Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, Tòa án Nhân dân Tối cao có tới 19 cơ sở nhà, đất không có nhu cầu sử dụng, hiện đang cho mượn, bỏ trống, sử dụng không đúng theo quy định. Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam - Bộ GTVT cho thuê một phần diện tích tại Trung tâm Văn hóa hàng không, Hà Nội (2.332,5m2) và Canteen tại 22 Trần Quốc Hoàn, TPHCM (1.519m2) chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao.
Bên cạnh đó là Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ cho thuê tài sản khi chưa được Bộ phê duyệt đề án sử dụng tài sản công.
Kiểm toán Nhà nước cũng nêu trường hợp Trường Cao đẳng Xây dựng số 1 (thuộc Bộ Xây dựng) cho thuê phòng học khi chưa được Bộ phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công.
Đáng chú ý là trường hợp Đại học Bách khoa Hà Nội - Bộ GD&ĐT cho Công ty BK - Holdings mượn tầng 2 tòa nhà A17, diện tích 432m2, hay cho Công ty TNHH MTV Tư vấn và chuyển giao công nghệ Bách khoa "mượn" làm văn phòng diện tích 40m2 thuộc tầng 2 nhà A17 mà... không thu tiền thuê.
Cũng tại Bộ GD&ĐT, Kiểm toán Nhà nước cho biết, có 5 hộ là cán bộ thuộc Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương thuê nhà tại khu tập thể cũ của trường chưa đúng với mục đích sử dụng đất.
Theo Kiểm toán Nhà nước, hằng năm, Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển Nhà Hoàn Kiếm đều có thông báo tới Văn phòng Bộ GD&ĐT đề nghị nộp tiền thuê nhà, thuê đất của cơ sở 15 Hai Bà Trưng - 29B Ngô Quyền, số tiền phải nộp đến hết quý 3/2019 là 44,647 tỷ đồng (tiền thuê nhà 32,532 tỷ đồng, tiền chậm nộp tiền thuê đất và tiền thuê đất 12,115 tỷ đồng).
Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ GD&ĐT và cơ quan chức năng liên quan chưa thể giải quyết xong vấn đề này. Đồng nghĩa với việc tiền thuê đất mà Bộ GD&ĐT ngày một lớn lên thêm.