Bệnh nhi 10 tuổi vào viện trong tình trạng sốt cao, tức ngực. Gia đình chia sẻ: cách đây 7 ngày trẻ xuất hiện sốt, sốt cao nhất 40oC, kèm theo tức ngực, ở nhà tự điều trị nhưng không đỡ.
Gia đình đã đưa bé đến Trung tâm Y tế gần nhà được chẩn đoán sốt xuất huyết, điều trị 7 ngày kháng sinh bệnh tiến triển nặng hơn suy đa tạng nên gia đình đã xin ra viện và đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương để điều trị.
Khi vào viện các bác sĩ đã kiểm tra các cận lâm sàng cần thiết và đưa ra chẩn đoán viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae theo dõi nhiễm khuẩn huyết nặng. Các bác sĩ nhận định ca bệnh khó dễ nhầm với Sốt xuất huyết.
Trẻ nhiễm khuẩn huyết do viêm phổi điều trị tại bệnh viện Đa khoa Hùng Vương |
BS Đinh Xuân Hoàng, Trưởng khoa Nhi và BS Trần Thị Cườm, Phó trưởng khoa nhi cùng các bác sĩ trong khoa sau khi hội chẩn thống nhất truyền máu và truyền albumin, kháng sinh cho bệnh nhi và làm các xét nghiệm kỹ thuật cao để tìm nguyên nhân.
Sau khi chẩn đoán chính xác nguyên nhân các bác sĩ đã thực hiện điều trị theo phác đồ. Sau 4 ngày điều trị hiện tại tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định, trẻ hết sốt, hết phù, các chức năng cơ quan dần hồi phục và được theo dõi sát tại Khoa nhi của bệnh viện.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm phổi có nhiều căn nguyên, trong đó Mycoplasma Pneumoniae (vi khuẩn không điển hình) là tác nhân quan trọng gây viêm phổi ở cộng đồng ở trẻ em. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp ở nhóm trẻ lớn.
Theo một nghiên cứu của Mỹ, trẻ từ 5-10 tuổi, tỉ lệ mắc viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae là 16%, trong khi đó nhóm trẻ 10-17 tuổi, tỉ lệ này lên đến 23%.
Khi vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 đến 3 tuần. Sau thời gian này, bệnh sẽ khởi phát và trải qua những triệu chứng sau:
Ban đầu trẻ có những biểu hiện viêm long đường hô hấp: hắt hơi, sổ mũi, sốt.
Trẻ em bị viêm phổi có thể bị sốt cao, sốt liên tục từ 39 đến 40 độ C. Ngoài ra trẻ còn ho nhiều, ho rũ rượi từng cơn, ho đi kèm khó thở, thở nhanh gấp gáp. Những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ, cứng cơ…
Đặc biệt, trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma có thể có biểu hiện những biến chứng ngoài phổi khác như có thể bị viêm kết mạc, nổi mày đay trên da, biến chứng tim mạch, biến chứng đường tiêu hoá, tiết niệu…
Những triệu chứng viêm phổi do Mycoplasma ở trẻ rất dễ nhầm với những tác nhân viêm phổi khác như viêm phổi do virus, viêm phổi do vi khuẩn khác vì có những biểu hiện như: sốt, ho, khó thở hoặc chụp phim X- Quang phổi có những tổn thương trên phim. Tuy nhiên để chẩn đoán xác định tác nhân viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae cần phải làm xét nghiệm đặc hiệu.
BS Đinh Xuân Hoàng nhấn mạnh, nhiễm khuẩn huyết hay nhiễm trùng máu là một tình trạng nhiễm trùng cực kỳ nghiêm trọng. Các vi sinh vật sẽ từ ổ nhiễm trùng nguyên phát theo đường máu để đi khắp nơi trong cơ thể. Loại bệnh này thường xuất hiện do các vi khuẩn hoặc virus, nấm gây ra.
Chúng giải phóng các độc tố vào bên trong máu nhằm chống lại những phản ứng viêm. Các phản ứng này sẽ tạo nên rất nhiều những thay đổi từ bên trong khiến các cơ quan khác bị tổn thương. Ví dụ như gan, thận và sức khỏe cũng sẽ sụt giảm một cách nhanh chóng.
Bác sĩ khoa nhi khuyến cáo: Nhiễm khuẩn huyết là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có khả năng cao ảnh hưởng đến tính mạng của con người. Ba mẹ lưu ý không tự điều trị ở nhà cho trẻ khi không rõ căn nguyên.
Vi khuẩn này cần phân biệt với whitmore, thủy đậu, tay chân miệng, vi khuẩn không điển hình, viêm da liên cầu… Các tổn thương phỏng kiểu này gặp trên rất nhiều bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu trên ba mẹ nên đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra".