Cụ thể, hết tháng 10/2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 32,5 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam đạt hơn 62 tỷ USD, tăng 16,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Giảm xuất khẩu trong khi tăng nhập khẩu đã đẩy số nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 29,5 tỷ USD, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc ngày càng gia tăng vị thế và ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu của Việt Nam. Sự gia tăng này đã đạt tới mức đột biến trong 10 tháng của năm 2019.
Quan ngại về điều này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ phải làm rõ hơn các yếu tố đã tác động dẫn tới tăng nhập siêu từ Trung Quốc tăng. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng chống buôn lậu, ngăn chặn các hoạt động gian lận thương mại, đặc biệt là về về xuất xứ hàng hóa.
Các yêu cầu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy các cơ quan quản lý đã nhận thức rõ sự gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc là có liên quan chặt chẽ tới chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Mà cụ thể là việc Trung Quốc gia tăng các biện pháp khuyến khích xuất khẩu hàng hóa qua các quốc gia trung gian để tránh bị áp đặt thuế, và tránh bị tác động từ sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, biện pháp này của Trung Quốc lại gia tăng áp lực cạnh tranh lên sản xuất, hàng hóa của các nước, đặc biệt là Việt Nam. Thể hiện ở hai nguy cơ chính. Trong đó hàng hóa có sức cạnh canh cao của Trung Quốc sẽ làm suy giảm sản xuất trong nước ở những ngành hàng tương tự.
Đồng thời, hoạt động lẩn tránh thuế thông qua gian lận xuất xứ của hàng Trung Quốc cũng đặt hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trước nguy cơ bị áp thuế cao tại các thị trường xuất khẩu có tranh chấp thương mại với Trung Quốc.
Cả hai nguy cơ này đều rất cao và tác động sẽ kéo dài trong nhiều năm. Do thế, các biến pháp ngăn chặn, phòng vệ thương mại, xuất xứ chỉ có tác động trong ngắn hạn.