Cẩu tháp tử thần
Khoảng hơn 23 giờ ngày 2/3, cẩu tháp tại công trình xây dựng tổ hợp thương mại, nhà ở tại số 493 phố Trương Định (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị sập gãy, khiến nhiều người hoảng loạn, tháo chạy. Theo người dân tại đây, thời điểm xảy ra vụ việc, cần cẩu đang vận chuyển vật liệu từ một con ngõ gần đó vào bên trong công trình.
Cẩu tháp đe dọa tính mạng người dân.
Vị trí cẩu tháp bị gãy gần với cabin người điều khiển. Rất may, phần cẩu tháp bị gãy đổ xuống bên trong công trình, không trúng vào khu dân cư. Hiện công trình đã tạm dừng thi công để làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố. “Bước đầu xác định vụ sập cẩu tháp không gây thiệt hại về người, các công trình lân cộng không bị ảnh hưởng”, ông Thắng nói.
Gần đây nhất vào ngày 12/11/2015, tại công trình xây dựng khu đô thị mới ngã 5 sân bay Cát Bi, TP Hải Phòng, một giàn máy cẩu “khổng lồ” cao hơn 70m đang thi công tại dự án trên bất ngờ đổ sập.
Do vị trí công trình thi công nằm sát mặt đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền lại không có các biện pháp an toàn nên khi cánh tay cẩu đổ xuống đã đè trúng người đi đường khiến khiến 1 người đàn ông đi xe máy tử vong tại chỗ. Một phụ nữ đi xe đạp gần đó cũng bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó.
Theo quy định, các công trình xây dựng có cẩu trục tháp vươn ra ngoài phạm vi công trường xây dựng, đơn vị thi công phải có phương án bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động trong quá trình vận hành.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng ch obieets, ở những công trình cao tầng, cẩu tháp là loại máy không thể thiếu để vận chuyển vật liệu lên cao.
Những rủi ro xảy ra có thể là do nâng quá tải làm đứt cáp nâng tải, nâng cần, móc buộc tải, công nhân lái khi nâng hoặc lúc quay cần tải bị vướng vào các vật xung quanh, phanh của cơ cấu nâng bị hỏng, má phanh mòn quá mức quy định, mô men phanh quá bé, dây cáp bị mòn hoặc bị đứt, mối nối cáp không đảm bảo…
Sập cần cẩu là sự cố thường xảy ra và gây chết người do nối cáp không đúng kỹ thuật, khóa cáp mất, hỏng phanh, cầu quá tải ở tầm với xa nhất làm đứt cáp.
Nên tránh xa khu vực cẩu tháp
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho biết, bản thân ông đi ngoài đường cũng gặp rất nhiều cẩu tháp đang hoạt động. Để nhận biết cẩu tháp nào là an toàn, cẩu tháp nào là có thể gây ra tai nạn là rất khó, bởi những sự cố này giống như tai nạn giao thông, chỉ xảy ra trong tích tắc.
Để tránh rủi ro từ cẩu tháp thì không có cách nào khác là nên tránh đi qua những khu vực mà có cẩu tháp vươn cao trên đầu, vì rủi ro luôn tiềm ẩn, không ai dám khẳng định chắc chắn rằng sẽ không thể xảy ra nguy cơ đổ, gãy dù cho cẩu tháp đó có được kiểm định an toàn đúng cách hay không.
Tốt nhất là khi thấy cần cẩu đang hoạt động như đang nâng các vật nặng như khối bê tông, sắp thép… thì tuyệt đối không đi qua. Những cần cẩu phát ra tiếng kêu to bất thường cũng nên tránh.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng thì đơn vị xây dựng, nhất thiết phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở những nơi có cẩu tháp làm việc. Xây dựng những mái che chắn an toàn nếu đó là đường giao thông đông người qua lại.
Trong lĩnh vực quản lý các công trình xây dựng đều đã có những quy định cụ thể, nên việc ứng dụng, vận hành như thế nào cần phải được kiểm tra giám sát cụ thể, thường xuyên thì mới tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua.
Việc cẩu tháp bị sập, gãy không phải là chuyện hi hữu chỉ có ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác cũng có, vì thế, việc bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân như thế nào là việc cần phải bàn.
Bảo Khánh