Nha khoa Kim bất chấp pháp luật, liên tục bị xử phạt… vẫn không sợ

Công ty TNHH Nha khoa Kim (số 31 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM) nhiều lần bị xử phạt do vi phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở ở TP HCM và Hà Nội.

Nhiều lần bị xử phạt

Mới đây, Công ty TNHH Nha khoa Kim bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt 12 triệu đồng do có vi phạm tại Phòng khám chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt thuộc Địa điểm kinh doanh Nha khoa Kim quận 10 (số 396 - 398 đường 3 tháng 2, phường 12). Hành vi vi phạm được xác định: Lập sổ khám, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ; người hành nghề không đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV Khoa học & Đời sống, đại diện hệ thống Nha khoa Kim xác nhận sự việc và cho biết: “Về sổ khám bệnh, mình cũng có ghi nhưng không đầy đủ”. Vị đại diện này nói thêm, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã “nhắc nhở” đối với những vi phạm tại Phòng khám chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt thuộc Địa điểm kinh doanh Nha khoa Kim quận 10.

Trước đó, Công ty TNHH Nha khoa Kim nhiều lần bị xử phạt vì sai phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh tại một số cơ sở ở TP HCM và Hà Nội.

Cụ thể, tháng 10/2022, công ty này bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM phạt 98 triệu đồng do những vi phạm tại Địa điểm kinh doanh Nha khoa Kim Nguyễn Oanh (số 2 Nguyễn Oanh, phường 7, quận Gò Vấp): Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu; người hành nghề không đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, cơ sở Nha khoa Kim Nguyễn Oanh còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh 2 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở 1 tháng.

Trước đó, tháng 5/2022, Công ty TNHH Nha khoa Kim bị cơ quan chức năng phạt 102 triệu đồng vì sai phạm tại cơ sở số 33 Lê Văn Duyệt (phường 3, quận Bình Thạnh). Cơ sở này cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép, trừ trường hợp cấp cứu; lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục theo mẫu quy định của pháp luật; không báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề.

Tại Hà Nội, tháng 6/2020, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động của cơ sở Nha khoa Kim tại địa chỉ 162A Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) và ra quyết định xử phạt 51 triệu đồng. Cơ sở này không đảm bảo điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; không đảm bảo điều kiện về trang, thiết bị y tế trong quá trình hoạt động; quảng cáo dịch vụ đặc biệt không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Nha khoa Kim tháo gỡ nội dung giới thiệu, quảng cáo về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt của cơ sở trên website “nhakhoakim.com”, khắc phục ngay những vấn đề mà Đoàn thanh tra nêu ra trong biên bản thanh tra, thực hiện đúng quy định về điều kiện hành nghề y tư nhân, tuân thủ quy chế chuyên môn.

Tiếp đó, tháng 11/2022, cơ sở Nha khoa Kim nói trên bị xác định quảng cáo dịch vụ đặc biệt (dịch vụ khám, chữa bệnh) trái phép. Chi nhánh ở Hà Nội này bị xử phạt 45 triệu đồng, phải tháo gỡ nội dung sai phạm.

Trên website https://nhakhoakim.com, Nha khoa Kim tự giới thiệu là thương hiệu độc quyền được bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam, ứng dụng công nghệ hiện đại, hướng đến người dân xa trung tâm thành phố. Công ty này còn “nổ” về tầm nhìn đến năm 2025 "là chuỗi phòng nha khoa dẫn đầu Việt Nam...".

Thế nhưng, trên thực tế, đơn vị này có nhiều sai phạm và nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao càng bị xử phạt, Công ty TNHH Nha khoa Kim lại càng… vi phạm? Việc nhiều lần tái phạm có phải là thách thức cơ quan chức năng, coi thường sức khỏe người dân? Phải chăng mức phạt chưa đủ sức răn đe?

Cần tăng mức xử phạt với trường hợp “nhờn luật”

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, luật sư Tạ Phương - Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - thông tin, ngày 28/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, hình thức xử phạt hành vi lập sổ khám bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ là một trong nội dung trọng tâm, được quy định tại khoản 1, điều 40, Nghị định 117/2020/NĐ-CP và được bổ sung bởi khoản 10, điều 2, Nghị định 124/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi không lập hoặc lập sổ khám, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật. Mức phạt này cũng áp dụng với các hành vi: Không lập hoặc lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định; không ghi sổ y bạ theo dõi điều trị đối với người bệnh điều trị ngoại trú; không thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, bệnh án theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm khác như người hành nghề khám, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề, được quy định tại điểm a, khoản 7, điều 38 với mức phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng. Người vi phạm phải nộp lại số tiền hưởng lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại điểm b, khoản 9 của điều này.

Tổ chức sử dụng lao động không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, đang bị đình chỉ khám, chữa bệnh, cũng bị xử phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.

Luật sư Tạ Phương - Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Tạ Phương - Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Trước ý kiến cho rằng mức phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được, luật sư Phương kiến nghị cần nghiên cứu, rà soát, cân nhắc lại mức phạt tiền với mức độ nặng/nhẹ tùy từng hành vi vi phạm cụ thể.

Đặc biệt, với trường hợp “nhờn luật”, mức phạt tối đa hiện nay khó đảm bảo tính răn đe. Cần có cách thức giải quyết phù hợp và thích đáng. Chẳng hạn, người thi hành công vụ, cơ quan công quyền có đầy đủ thông tin của người vi phạm, từ đó, tính toán lại mức tiền phạt theo cách “tích lũy điểm phạt” hoặc nhân theo “hệ số vi phạm” (tính theo số lần vi phạm) hay căn cứ “lịch sử vi phạm hành chính” để đưa ra mức tiền phạt nặng hơn.

“Với hành vi vi phạm bị xử lý nhiều lần, ngoài phương án tăng mức tiền phạt, cũng cần tăng mức xử phạt bổ sung, thậm chí nên thay đổi hình thức phạt tiền bằng hình thức khác. Nghĩa là nên nghiên cứu để không áp dụng duy nhất hình thức phạt tiền đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính’, luật sư Phương nhấn mạnh.

Công ty TNHH Nha Khoa Kim thành lập ngày 9/8/2016, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0313956153 do sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM cấp. Người chịu trách nhiệm trước pháp luật là ông Nguyễn Hữu Nam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Theo giới thiệu trên trang website của công ty này, Giám đốc vận hành Nha Khoa Kim là ông Sử Duy Bin; ông Bùi Tuấn Linh là Giám đốc điều hành.

Nha khoa Kim hiện sở hữu chuỗi hệ thống các phòng khám chuyên về Răng - Hàm - Mặt với hàng chục cơ sở, chi nhánh trên cả nước như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra.
back to top