Nhà đầu tư nước ngoài muốn Việt Nam làm điện hạt nhân

(khoahocdoisong.vn) - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2020 là nơi Chính phủ Việt Nam lắng nghe ý kiến đóng góp để cải cách môi trường đầu tư, thu hút FDI. Nhân dịp này, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) đã chia sẻ với báo chí về cơ hội rất lớn để Việt Nam bứt phá, vươn lên tầm cao mới.
Ông Hong Sun, Đồng Chủ tịch VBF.

Ông Hong Sun, Đồng Chủ tịch VBF.

Luật Đầu tư mới khá tiến bộ

Trong tư cách nhà đầu tư nước ngoài, ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Năm 2020 với đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu, đã và đang làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp tổng cung, tổng cầu và gia tăng rủi ro tài chính đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu do Ngân hàng Thế giới thực hiện đã dự báo năm 2020 nền kinh tế thế giới có thể tăng trưởng âm tới mức 5,2%, chứng tỏ đây là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2 trở lại đây.

Tuy nhiên, với những nỗ lực đã triển khai, Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu kép khi vừa khống chế hiệu quả dịch Covid-19; vừa duy trì được các kết quả tăng trưởng dương với những chỉ số sản xuất kinh doanh, thậm chí là kim ngạch xuất khẩu đạt mức đáng kinh ngạc. Đây cũng là thời điểm vô cùng thuận lợi để Việt Nam tận dụng nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Có ý kiến từ cộng đồng các doanh nghiệp nhận xét chính sách của Việt Nam không đồng nhất, khó tiên liệu nên ảnh hưởng nhiều đến việc đầu tư, sản xuất kinh doanh. Việt Nam đã nỗ lực cải thiện điều này, theo ông chính sách của Việt Nam đã rõ ràng hơn chưa?

Đa số chuyên gia nhận định các bộ luật đầu tư kinh doanh mới khá tiến bộ và cải thiện nhiều. Chúng tôi rất hoan nghênh Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực tiếp tục cởi mở với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những chính sách vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Hy vọng trong thời gian áp dụng vào thực tiễn, lúc đó có thể sẽ cải thiện và bổ sung tốt hơn.

Ông đánh giá thế nào về sự chuyển hướng dòng chảy đầu tư vào Việt Nam?

Như tôi đã nói, Việt Nam là một trong những nơi có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hiện Việt Nam đã tham gia vào nhiều chương trình, Hiệp định thương mại tự do. Những điều này hết sức thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường mới.

Để tận dụng cơ hội này nhiều công ty của Hàn Quốc đang quan tâm tham gia vào thị trường Việt Nam. Những năm đầu 90, các nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia vào may mặc giầy dép túi xách là chính, sử dụng nhiều lao động giá trị gia tăng tương đối thấp. Nhưng sau khi Samsung đầu tư vào Việt Nam thì các công ty cấp một, cấp hai, cấp ba đã đầu tư vào Việt Nam số lượng rất lớn.

Không chỉ sản xuất điện thoại mà Samsung còn mở rộng sản xuất nhiều mặt hàng gia dụng tại khu công nghệ cao Sài Gòn. 2 năm nữa sẽ có Trung tâm Nghiên cứu Phát triển lớn nhất của Tập đoàn Samsung. Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia đầu ngành sẽ làm việc tại Trung tâm này. Điều này cho thấy xu hướng đầu tư bây giờ đi vào chất lượng. Trước kia rất nhiều nhà đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất nhưng bây giờ rất nhiều các start up chuyển sang Việt Nam vì điều kiện của thị trường Việt Nam hết sức thuận lợi để phát triển.

Ông Hong Sun, Đồng Chủ tịch VBF (người đứng cạnh) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp mặt các hiệp hội doanh nhân đại diện cho VBF.

Ông Hong Sun, Đồng Chủ tịch VBF (người đứng cạnh) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp mặt các hiệp hội doanh nhân đại diện cho VBF.

Điện hạt nhân là đầu tư cho cả trăm năm

Một trong những kiến nghị của VBF có đề nghị Chính phủ cân nhắc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Cân nhắc này theo chiều hướng nên hay không nên thưa ông?

Chắc chắn là nên rồi! Nguồn điện là một trong những lĩnh vực rất quan trọng để thu hút đầu tư. Hàn Quốc là một trong những nước đã từng phát triển lĩnh vực nhà máy điện hạt nhân và xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân. Đầu tư điện hạt nhân là đầu tư cho tương lai, không phải là 5 năm, 10 năm, mà cả trăm năm. Bây giờ công nghệ điện hạt nhân phát triển rất nhiều không như ngày xưa nên rất an toàn, giá thành rẻ. Vì vậy, chúng tôi đề xuất Chính phủ Việt Nam nên suy nghĩ nghiên cứu thêm về vấn đề đó.

Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam có cơ hội để trở thành nước quốc gia phát triển ở khu vực, chỉ đứng sau Indonesia. Tuy nhiên, nhiều khả năng tắc nghẽn thương mại sẽ làm Việt Nam mất cơ hội. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Bây giờ Việt Nam là một trong rất ít nước được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm vì Việt Nam là một điểm đến có triển vọng rất tốt. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã khống chế được dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư rất an tâm. Số lượng người nước ngoài ở Việt Nam và xếp hàng đến Việt Nam nói lên điều này. 90% người Hàn Quốc ở nước ngoài đã chạy về Hàn Quốc vì cảm thấy không an toàn, nhưng ở Việt Nam vẫn duy trì tương đối số người Hàn Quốc.

Chúng tôi cho rằng, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội thu hút đầu tư rất quan trọng trong lịch sử. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để bứt phá. Nếu không tận dụng cơ hội này thì sau này thu hút đầu tư sẽ bị hạn chế. Không có cơ hội lần thứ hai bởi có rất nhiều nước cơ sở hạ tầng tốt hơn nhưng hiện họ chỉ không có môi trường an toàn như Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam nên nhanh nhạy hơn, không chỉ sử dụng các biện pháp thông thường các nước đang làm, mà có thể tập trung phát triển lĩnh vực công nghiệp 4.0; 5.0 chẳng hạn. Có nhiều nước cạnh tranh nhưng dân số Việt Nam khá đông, tay nghề khá khéo léo, ý chí xã hội khá là cao...

Xin ông cho biết những kiến nghị của VBF năm trước đã được giải quyết đến đâu, còn nhiều vướng mắc nữa không vì tôi thấy bản tập hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp vẫn rất dày?

Kinh doanh có rất nhiều vấn đề, mênh mông, càng giải quyết càng nhiều vấn đề, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước cũng thế. Việt Nam là một trong những nước mà lãnh đạo Chính phủ lắng nghe, cố gắng giải quyết vấn đề. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gặp gỡ đại diện các hiệp hội doanh nghiệp. Thủ tướng trực tiếp trả lời và chỉ thị cho nhiều Thứ trưởng giải quyết. Cái gì đơn giản giải quyết được ngay thì giải quyết. Cái gì phải qua Quốc hội thì phải chuẩn bị xem xét. Lãnh đạo của Việt Nam rất là sáng suốt. Điều đó làm chúng tôi rất cảm động!

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top