Theo GS.TS.BS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh Tây Nam Bộ trong tình trạng có nguy cơ rất cao, cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống, nâng cao mức độ cảnh giác.
Thời gian qua, lượng người từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đổ về khu vực này rất lớn. Trong khi tỷ lệ lây Covid-19 trong nhóm đối tượng này khoảng 1,6%; khả năng lây lan ra cộng đồng rất lớn, đặc biệt đối với địa bàn chưa kịp tiêm bao phủ văcxin ngừa Covid-19 mũi 1.
Từ ngày 7-25/10, theo thống kê sơ bộ, khoảng 381.000 người di chuyển về các tỉnh. Qua xét nghiệm 363.405 người, 6.222 trường hợp được ghi nhận dương tính.
Trong khi đó, theo Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác Đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19, tỷ lệ bao phủ văcxin ngừa Covid-19 tại các tỉnh Đông Nam Bộ cao nhưng vẫn ghi nhận nhiều ca mắc.
Theo nhận định của các chuyên gia, số ca nhiễm tại các tỉnh Tây Nam Bộ tăng chủ yếu do người về từ vùng dịch. Trong khi, nhiều tỉnh có tỷ lệ người dân được tiêm văcxin ngừa Covid-19 còn thấp, hệ thống y tế chưa đủ mạnh.
Ngoài ra, việc quản lý cũng gặp nhiều khó khăn khi người trở về từ tỉnh có nguy cơ dịch cấp 1 (xanh), cấp 2 (vàng) nhưng lại cư trú ở xã, phường có nguy cơ dịch cấp 3 (cam), cấp 4 (đỏ).
Thậm chí, nhiều người đã tiêm văcxin ngừa Covid-19 vẫn có thể bị nhiễm Covid-19, nên nếu chỉ cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.
Do đó, các tỉnh Tây Nam Bộ cần tăng cường xét nghiệm tầm soát, truy vết F0 ngoài cộng đồng.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế phải sẵn sàng ứng phó nguy cơ dịch ở cấp độ 4, nhất là về oxy y tế, mô hình tháp điều trị 3 tầng, trạm y tế lưu động.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, tuần qua, thành phố ghi nhận số ca tăng nhẹ tại một số quận, huyện khi xét nghiệm nhanh các công nhân quay trở lại làm việc.
Ngành y tế TPHCM đã khoanh vùng, xét nghiệm nhanh tại nơi ở của công nhân bị nhiễm, bóc tách toàn bộ F0.