Người Kinh có phải là người Việt cổ?

(khoahocdoisong.vn) - Tìm hiểu về đa dạng di truyền của người Việt để đưa ra câu trả lời nguồn gốc người Việt ở đâu, cần có cái nhìn đa chiều, tránh cực đoan, suy đoán thiếu căn cứ khoa học.

Phân biệt khái niệm người Việt và người Việt cổ

Vấn đề nguồn gốc tộc người Việt (Kinh) thường nhận được sự quan tâm tìm hiểu nghiên cứu không chỉ của giới chuyên môn dân tộc học, khảo cổ hay lịch sử, mà còn được thảo luận trên truyền thông, trong công chúng qua nhiều thời kỳ khác nhau nhằm làm sáng tỏ “tính bản địa” hoặc những ảnh hưởng, tác động “ngoại lai” từ các tộc người phương Bắc xuống, phía Nam lên. TS Nguyễn Việt, chuyên gia nghiên cứu về thời Đông Sơn, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho rằng, khi nói đến Việt thì phải có định nghĩa “thế nào là Việt?”. Trong công chúng, có hai cách hiểu phổ biến với nghĩa hoàn toàn khác nhau. Thứ nhất là con người sống trên đất nước Việt Nam thì được gọi là người Việt, như thế nghĩa là bao gồm cả các tộc người như Bana, Ê đê, Chăm... Trong khi đó, trái lại, về mặt dân tộc học thì chúng ta cũng có dân tộc Việt (Kinh), tương đương các dân tộc khác trong lãnh thổ Việt Nam như Bana, Ê đê hay là Mường, Tày, Thái… Nếu mặc định hai cách hiểu trùng nhau thì các tộc người bị loại ra khỏi “Việt”, mặc dù họ là một thành phần của đất nước Việt Nam.

Không chỉ khái niệm Việt, Việt cổ, mà các khái niệm về tộc người khác dường như cũng rất dễ lẫn lộn, không thống nhất. Nếu lùi về cổ đại mà chỉ dùng khái niệm Việt hay Việt cổ một cách chung chung là không đủ. Có một số cách nói hợp lý hơn thay vì ta cứ nói Việt hay Việt cổ. Đó là, gọi tên chủ nhân của các nền văn hóa khảo cổ theo tên của văn hóa đó chứ tránh cách gọi khu trú vào tên một tộc người cụ thể. Ví dụ, trong phạm vi văn hóa Đông Sơn thì tôi nói người Đông Sơn, vào phạm vi Âu Lạc thì gọi là người Âu Lạc, bởi vì khái niệm đó có tính bao trùm, chứ nếu chỉ gọi tên một tộc/nhóm người thì ta đã loại tộc/nhóm người khác, mặc dù họ ở trong cùng cộng đồng và đồng thời là chủ nhân của nền văn hóa khảo cổ ấy. Bởi vì, ai đảm bảo 100% người Âu Lạc là người Kinh hay tộc người khác?

Nguồn gốc người Việt có từ đâu?

TS Nguyễn Việt cho rằng, tìm hiểu về nguồn gốc người Việt cần tránh hạn hẹp và cực đoan quả thực rất cần thiết. Việc người Việt có nguồn gốc từ đâu đến nay vẫn chưa có hồi kết bởi có quá nhiều hướng nghiên cứu khác nhau. Nói về người Việt cổ, những cư dân Đông Sơn và Tiền Đông Sơn từ thời khởi đầu dựng nước Việt Nam không tương ứng với một tộc người duy nhất là Kinh hay bất kỳ một tộc người khác trong thời hiện đại ngày nay, bởi trong nhận thức của các nhà khảo cổ học thế giới, ở thời kỳ Đông Sơn và tiền Đông Sơn, tất cả khối Lạc Việt, Tây Âu (hay Tày - Thái cổ)… đều là ‘Yue’ (Bách Việt). Nhưng từ trước tới nay, các nhà dân tộc học và khảo cổ đang giữ những cứ liệu và các giả thiết đó mà chưa mang ra để đặt câu hỏi cho các nhà nghiên cứu hệ gene. Hầu như không ai hay biết gì về việc những quá trình giao lưu tiếp biến ấy đã được “ghi nhớ” như thế nào trên hệ gene của mỗi cá nhân ở các tộc người.

Trong khi đó, phân tích hệ gene người cổ sẽ chứng minh được điều đó, đem lại một trong những câu trả lời gần nhất cho những gì đã xảy ra trong quá khứ. Các kỹ thuật hiện đại giúp giải trình tự hệ gene từ di cốt người cổ có thể giúp bóc tách dần thông tin về nguồn gốc, lịch sử di truyền cũng như thấy được sự đa dạng, cộng cư của di cốt khai quật được theo mỗi mốc thời gian họ sinh sống.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều tranh luận ngổn ngang, GS Nông Văn Hải, nguyên Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu hệ gene, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, một nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm về hệ gene người Việt Nam đã đi tìm câu trả lời trong quá trình thực hiện Đề tài độc lập cấp nhà nước (2015 - 2019), “Giải trình tự và xây dựng hoàn chỉnh hệ gene người Việt Nam đầu tiên làm “trình tự tham chiếu” và bước đầu phân tích nhân chủng học tiến hóa người Việt Nam”. Kết luận rằng, giữa các dân tộc có lịch sử di truyền, nguồn gốc chung nào đó và có sự giao thoa về mặt di truyền chứ không có một dân tộc “thuần chủng”.

Theo Đời sống
back to top