Đề tài đánh giá thực trạng và giải pháp chính sách về quyền của người chuyển giới cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 290.000 - 480.000 người chuyển giới. Nhà nước cần sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính để có cơ sở pháp lý cho việc cung cấp các dịch vụ can thiệp y học chuyển đổi giới tính một cách an toàn cho người chuyển giới ở Việt Nam. Người chuyển giới cần tìm hiểu một cách chính thống từ các cơ sở y tế và chuyên gia có đủ năng lực và được pháp luật thừa nhận, để có một quyết định đúng đắn trước khi sử dụng các can thiệp y học.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, TS Đinh Thị Thu Thuỷ, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Dự thảo luật chuyển đổi giới tính gồm 5 chương, 25 điều trong đó quy định điều kiện đối với người đề nghị chuyển đổi giới tính cụ thể: Điều kiện để thực hiện điều trị nội tiết tố là người đủ 16 tuổi trở lên, có giới tính sinh học hoàn thiện, có đủ sức khoẻ và không có chống chỉ định điều trị nội tiết sinh dục, là người độc thân và nhận diện có giới tính khác giới tính của mình hiện có.
Điều kiện đối với người đề nghị phẫu thuật để chuyển đổi giới tính là giới tính sinh học hoàn thiện, nhận diện giới, tình trạng hôn nhân như đối với người điều trị nội tiết tố; Đã điều trị nội tiết tố liên tục trong thời gian 1 năm trở lên, trừ trường hợp phẫu thuật ngực từ nữ sang nam; Từ 18 tuổi trở lên, có sức khoẻ và không có chống chỉ định phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục.
Người đã thực hiện can thiệp chuyển đổi giới tính có quyền được công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, giấy công nhận này do Bệnh viện cấp. Giấy công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là căn cứ để đăng ký thay đổi hộ tịch. Sau khi thay đổi hộ tịch, giấy tờ hộ tịch là căn cứ để thay đổi các giấy tờ pháp lý có liên quan. Chậm nhất đến năm 2023, nội dung đào tạo tâm lý dành cho người chuyển đổi giới tính được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở có chức năng đào tạo về tâm lý lâm sàng.