Hình minh họa.
Đụng đầu với người quyền chức cao hơn
Nhiều vụ lấn quyền, tham nhũng được chính các ngôn quan làm việc trong Ngự sử đài phát hiện ra và tâu bày thẳng thắn để nhà nước phân xử.
Nhiều lần các ngôn quan nhà Lê sơ đã có lời nói thẳng, nói thật khuyên can việc làm, chính sách của vua Lê, trực tiếp tranh luận với nhà vua, thậm chí có trường hợp sẵn sàng từ chức.
Đã có nhiều Ngự sử đài tỏ rõ thái độ như vậy, đó là Ngự sử phó trung thừa Nguyễn Thiên Hựu trút mũ xin từ chức vì nói trái ý vua Lê Thái Tông vào tháng 6 năm Giáp Dần (1434) hoặc Thị ngự sử Nguyễn Vĩnh Tích vì lời tâu không được duyệt mà dâng sớ xin nghỉ.
Trong khi thực thi công việc, các ngôn quan nhiều lần phải đụng đầu với những người có chức quyền cao hơn mình, nhưng vẫn không kiêng dè.
Tháng 12 năm Giáp Dần (1434) ngôn quan Phan Thiên Tước dâng sớ hặc tội Tiền quân Tổng quản Lê Thụ vì đang có quốc tang (tang vua Lê Thái Tổ) mà lấy vợ, làm nhà cao cửa rộng, cho người nhà mua bán vụng trộm với người nước ngoài.
Sau khi phân xử, dù có Đô đốc Lê Vấn, Tư mã Lê Ngân cố giải cứu, nhưng Lê Thụ vẫn bị tịch thu 15 lạng vàng, 100 lạng bạc mua bán vụng trộm, còn người vợ lẽ được cưới thì phải rút khỏi hộ tịch nhà Lê Thụ để làm người dưng.
Chính từ lời hặc tội của hai vị Thị Ngự sử là Đinh Cảnh An và Nguyễn Vĩnh Tích tháng 6 năm Đinh Tỵ (1437) về sự chuyên quyền, lấn át cả vua Lê Thái Tông của Đại tư đồ Lê Sát mà ngay lập tức Lê Sát bị xét xử và khép vào tội chết. Điều đó cho thấy tiếng nói của ngôn quan rất có trọng lượng đối với triều đình.
Thậm chí Đô Ngự sử Nguyễn Quang Bật sau phải chết vì lòng trung khi thay đổi di chiếu dù mẹ nuôi Lê Tuấn (sau này là vua Lê Uy Mục) đút lót để mong Lê Tuấn được làm vua.
Trách nhiệm cao, phẩm hàm thấp
Dù nhiệm vụ của quan lại trong Ngự sử đài rất nặng nề, trách nhiệm cao nhưng phẩm hàm của họ lại ở mức thấp. Ở Ngự sử đài, người đứng đầu mang hàm chánh tam phẩm, chánh tứ phẩm cũng được xem là phẩm hàm cao.
Theo sắp xếp thứ bậc trong Ngự sử đài thì đứng đầu là Đô Ngự sử hàm chánh tam phẩm; phó Đô ngự sử hàm chánh tứ phẩm, thấp nhất là hàm chánh cửu phẩm với Án ngục sở, Ngục thừa, thập tam đạo giám sát ngự sử.
Mặc dù phẩm hàm thấp nhưng nắm giữ chức vụ cao, trách nhiệm lớn, không được sợ cường quyền. Tuy nhiên, theo thông lệ “Trọng danh” thì người phẩm hàm cao hơn ít khi phục người ở dưới mình. Từ đó mà hiệu quả công việc giám sát, thanh tra, đàn hặc có phần bị hạn chế.
Tuy vậy, từ thời Lê sơ có nhiều tấm gương các ngôn quan được người đời khen ngợi, tiêu biểu là Bùi Cầm Hổ (1390- 1483) một ngôn quan phụng sự ba đời vua: Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, được vua Tự Đức sau này xếp vào mục Hiền thần trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh và nhận xét: “Là một nhân vật cương trực, dám nói, không cần né tránh quyền thế”.
Bình sinh Bùi Cầm Hổ từng tranh biện với Đại tư đồ Lê Sát để không cho Trình Bá Hoành làm quan vì có tính phản trắc, lại thẳng thắn khuyên vua giết Lê Sát không nên đem bêu thây làm nhục kẻo thiên hạ chê cười.
Rồi trường hợp Lương Đăng là hoạn quan được sai chế định nhã nhạc, Lê Chữ là lính bắn nỏ được làm quan, Bùi Cầm Hổ đều dâng sớ can ngăn vì thấy không hợp. Vua không làm theo nhưng vẫn nể lòng trung thành của ông.
Chí Đức