Nghệ sĩ dấn thân phòng chống dịch

Khác với hình ảnh lung linh trên sân khấu, phim ảnh, nhiều ca sĩ, diễn viên, MC, hoa hậu, nhà thiết kế, vũ công… những tháng vừa qua đã đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ dấn thân hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Cùng với lực lượng tuyến đầu, đội ngũ văn nghệ sĩ đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM cũng như cả nước.

Bỗng mạnh mẽ lạ thường

Hơn 4 tháng qua, kể từ ngày trực tiếp tham gia và đồng hành cùng đội tình nguyện viên (TNV) nghệ sĩ do chị điều hành, hỗ trợ TP.HCM chống dịch (29.5), MC Quỳnh Hoa (Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM) cho biết từ 6 thành viên ban đầu: chị, MC Quốc Bình, Phùng Thế Phi, Như Nguyễn, Lý Ngô, diễn viên Hoàng Phi Kha, nay đã có hơn 130 người luôn sẵn sàng “tác chiến”, với những gương mặt quen thuộc: Phương Thanh, Quốc Đại, Nguyễn Phi Hùng...

Nghệ sĩ dấn thân phòng chống dịch - ảnh 1
Những ngày cuối tháng 9, tình nguyện viên team tóc đã cắt tóc cho hơn 100 người tại các bệnh viện và bệnh viện dã chiến

Đáng nói, trừ công việc xịt khử khuẩn và trực chốt kiểm soát, đội TNV nghệ sĩ có mặt trong hầu hết các hoạt động hỗ trợ bà con, cùng người dân chống dịch: điều phối lấy mẫu xét nghiệm, điều phối tiêm vắc xin, dọn dẹp các ký túc xá thành khu cách ly, tặng quà cho các chốt kiểm soát, tặng quà cho bà con khó khăn, bảo trợ các trẻ em mồ côi vì Covid-19; cắt tóc, tặng quà cho y bác sĩ, nhân viên y tế; đi siêu thị online giúp người dân, chuẩn bị suất ăn cho các bệnh viện. Họ còn mang tiếng hát đến bệnh viện, phát thuốc cho các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà và hiện nay đã thành thạo việc trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm.

Song song đó, thời gian qua các nghệ sĩ: Việt Hương, Quyền Linh, hoa hậu Tiểu Vy, Lý Nhã Kỳ, ca sĩ Cẩm Ly và chồng là nhạc sĩ Hữu Minh, Ngọc Sơn, Đan Trường, Phi Nhung (trước khi mất)... cũng tích cực tham gia hỗ trợ người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Nghệ sĩ dấn thân phòng chống dịch - ảnh 2
Ca sĩ Phương Thanh khuân vác gạo cho bà con khu phong tỏa
Hiền Nguyễn

“Nghệ sĩ bây giờ khiêng vác cực giỏi, ca sĩ Thy Lư hay hoa hậu H’Hen Niê, người mảnh mai nhưng mạnh mẽ không ngờ, không nề hà bưng vác bao hàng mấy chục ký. MC Mr Vui, Lý Ngô, Thế Phi, nghệ sĩ xiếc Hiển Phước thì cực kỳ nhiệt tình trong các việc nặng lẫn lo hậu cần chu đáo cho anh em... Ngay cả ông đồ trong CLB Thư pháp của Nhà văn hóa Thanh niên TP nay cũng khuân vác siêu đẳng, toàn những bao gạo 50 ký...”, Quỳnh Hoa kể.

Trở thành thành viên đội TNV nghệ sĩ 3 tháng nay, ca sĩ Lê Minh (nhóm MTV) cho biết anh và nhóm đã đi phục vụ không dưới 50 bệnh viện dã chiến lớn nhỏ tại hầu hết các quận huyện của TP.HCM, bao gồm cả Cần Giờ, Củ Chi. “Tuy trễ hơn 1 tháng so với các đồng đội nhưng cũng đủ cảm nhận được tinh thần tuyệt vời mà mọi người mang lại cho cộng đồng. Những công việc thường nhật của chúng tôi đều đòi hỏi sức chịu đựng và thể lực cùng cường độ làm việc rất cao. Những ngày đầu mình không đáp ứng nổi vì bị sốc nhiệt do mặc đồ bảo hộ cả ngày nên mất nước, ngứa ngáy khó chịu... Nhưng dần rồi cũng quen và giờ bị “ghiền”, mỗi lần mặc bộ đồ vào là thấy tự tin lên hẳn vì không ai có thể biết mình mập hay ốm”, Lê Minh cho biết.

“Dù mệt mà thấy hạnh phúc mới mẻ lạ lùng”

Trong khi đó, nhà thiết kế Thuận Việt, tuy không tham gia đội TNV nghệ sĩ, song đã không ngại “xông pha” xuống các đầm rau muống cắt, chở rau đi phân phát cho bà con. “Bản thân tôi đóng cửa hàng mấy tháng nay, lo gồng gánh nhiều chi phí nên tôi hiểu được những khó khăn mà người lao động nghèo gặp phải. Tiền thì không kiếm được, đi lại khó khăn, giá thực phẩm tăng chóng mặt. Hơn nữa, hằng ngày tôi nhận được rất nhiều thông tin kêu gọi từ các đơn vị, bếp ăn, phường, xã và thậm chí là các bạn sinh viên, công nhân ở các khu xóm trọ. Vì vậy dù có mệt và vất vả thế nào tôi cũng ráng liên tục hơn 1 tháng trời cùng với các bạn trong nhóm đi hái rau muống gửi tặng mọi người. Sở dĩ phải tận tay cắt hái để giá thành giảm, nhờ vậy chúng tôi có thể mua được số lượng rau nhiều hơn so với số tiền có giới hạn của mình. Tính tới nay chúng tôi thu hoạch được hơn 30 tấn rau và gửi tặng rất nhiều nơi, từ bếp ăn phục vụ bệnh viện dã chiến, quầy siêu thị 0 đồng cho tới các phường, quận có nhu cầu phân phát cho các hộ nghèo trong khu phong tỏa”, anh chia sẻ. Với anh, “Cảm giác khi rau mình hái bằng mồ hôi công sức dưới nắng dưới mưa đến được với những người đang cần cái ăn vui lắm. Chính điều đó đã làm chúng tôi dường như quên hết những mệt mỏi”.

Còn nghệ sĩ múa Sùng A Lùng, sau nửa tháng tham gia làm TNV tại khu vực sinh sống (để an toàn cho người nhà, anh đăng ký ăn ngủ nghỉ tại chỗ trong thời gian hỗ trợ địa phương chống dịch), anh nói vui hết dịch có thêm nghề tay trái là bốc vác kiếm tiền. “Thời gian đi tình nguyện, tôi được giao đi nhận và gói các gói an sinh mang trao cho người dân. Việc khá nặng, hàng tấn thực phẩm chia ra bê bê vác vác, khuân bao gạo vài chục ký là thường, ngày làm 7 - 8 tiếng”, anh nói. Vì dáng người mảnh khảnh, lại cột tóc do nhiều tháng chưa cắt, nên có hôm đi làm anh được một bác nhờ: “Cháu gì ơi giúp bác bê bịch đồ lên xe với. Mà chẳng biết là cháu gái hay cháu trai nhỉ?”. Lùng nói có ngày làm về rưng rưng cảm xúc, dù mệt mà thấy sao hạnh phúc mới mẻ lạ lùng, cảm giác cho đi một chút thôi mà trong lòng lâng lâng. Kể lại anh vẫn xúc cảm giống như mình diễn xong một vở diễn trên sân khấu vậy.

Tiếp tục hoạt động đến khi thành phố “khỏe” lại

Theo MC Quỳnh Hoa, đội tình nguyện nghệ sĩ hiện vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi nào TP.HCM “khỏe” lại, cuộc sống trở lại bình thường mới; công việc hiện tại đã ít hơn thời gian qua, chủ yếu là lấy mẫu xét nghiệm và điều phối tiêm vắc xin.

Tô đậm tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ trong cuộc chiến khốc liệt

Giữa bối cảnh thành phố chúng ta đang quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ và các cơ quan Trung ương trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, chúng ta đã thấy vai trò và sự đóng góp rất hiệu quả của lĩnh vực văn học - nghệ thuật trên các mặt sáng tác, quảng bá, trình diễn, thông qua nhiều hình thức sáng tạo, phong phú.

Các tác phẩm nghệ thuật đã thể hiện tính hiệu triệu mạnh mẽ của tinh thần đoàn kết, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân; nghĩa tình, sẻ chia trong giai đoạn hết sức khó khăn của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, văn hóa nghệ thuật còn góp phần tôn vinh những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các lực lượng trên các tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh người nghệ sĩ chẳng quản ngại gian nan, lăn xả, xông pha vào những nơi gian khổ, thậm chí nguy hiểm, đã tô đậm tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ trong cuộc chiến khốc liệt mà sức mạnh tập thể, tinh thần đại đoàn kết toàn dân với sự góp phần to lớn của lực lượng văn nghệ sĩ đã thể hiện rõ nét.

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM

“Trong 4 tháng qua, có vài nghệ sĩ đã nhiễm Covid-19 khi khu họ sinh sống, ở trọ bùng phát dịch, nhưng các bạn cũng đã khỏi bệnh và tiếp tục cống hiến. Đến nay, chúng tôi thường bảo nhau rằng thật may mắn khi tất cả vượt qua được, vì khi tham gia, cả đội chuẩn bị tinh thần có thể bị nhiễm bất cứ lúc nào. Vậy nên bình an của cả nhóm là điều mà chúng tôi mừng nhất”, chị thổ lộ và cho biết thêm: “Cùng nhau trải qua hành trình tình nguyện đặc biệt này, tôi cảm nhận các nghệ sĩ gắn kết với nhau nhiều hơn, yêu thương nhau như một gia đình; thậm chí còn có 2 cặp phát sinh tình cảm trong quá trình tình nguyện. Các bạn gác đi cái tôi của mình, học sự nhẫn nhịn, đằm tính lại, quan tâm chăm sóc mọi người nhiều hơn. Trong đội TNV, có người nổi tiếng và có người chưa được biết đến nhiều, nhưng khoảng cách dần xóa đi, thật đẹp biết bao”.

Lê Minh xúc động tâm tình: “Đoàn kết làm nên sức mạnh! Sự cộng hưởng của những trái tim luôn bỏng cháy niềm khát khao cùng nhau vượt qua đại dịch và tình yêu thương đã giúp mỗi người chúng tôi thêm mạnh mẽ và chinh phục hết mọi khó khăn. Khi mệt mỏi, tôi lại nhìn vào những người bên cạnh để cố gắng, để bước tiếp. Những đóng góp của mình chẳng là gì so với những y bác sĩ ngày đêm căng mình trong bệnh viện hay khu cách ly. Chỉ mong mỗi ngày, cánh tay của mình sẽ góp thêm một chút lửa, một chút sự động viên, khích lệ, để họ thấy không lẻ loi trong “cuộc chiến” này”.

Những con số của niềm tin yêu

Chương trình Thành phố 18h - dấu ấn đẹp giữa những ngày gian khó. Thuộc dự án cộng đồng Năng lượng tích cực cho thành phố yêu thương, Thành phố 18h do đạo diễn Trần Thành Trung, đại diện T Production khởi xướng, phối hợp cùng các đơn vị Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.HCM, Nhà văn hóa Thanh niên, Digital Hub Media, Hãng phim Trẻ cùng nhóm Tình nguyện viên nghệ sĩ thực hiện đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Thành phố 18h đã nhận được nhiều nguồn lực tiếp ứng, hỗ trợ lớn từ các cá nhân, đơn vị, tổ chức, các nhà hảo tâm với tổng giá trị kinh phí lên đến hơn 8,5 tỉ đồng.

Cùng với đội Phản ứng nhanh của Thành phố 18h, chương trình đã trao tặng:

+ Hơn 5.000 phần quà cho lao động khó khăn, người dân tại các xóm trọ nghèo

+ Hơn 1.000 phần bánh trung thu cho tuyến đầu và trẻ em là F0.

+ Hơn 450 suất học bổng trao tặng các em mồ côi vì Covid-19. Nhiều nhà hảo tâm đã bàn luận cùng Hội đồng Đội TP.HCM để đi đến ký kết bảo trợ học tập cho các em còn lại với tổng số hơn 1.500 trẻ em mồ côi vì Covid-19 tại TP.HCM.

Nghệ sĩ dấn thân phòng chống dịch - ảnh 3
Đội phản ứng nhanh thuộc chương trình Thành phố 18h trao quà cho bà con nghèo hồi giữa tháng 9

Chương trình Muzik dập dịch của “đế chế hiphop” SpaceSpeaker thu hút sự tham gia những rapper từ nổi tiếng đến những người mới; đóng góp 10 tấn gạo cho UB MTTQ VN để kịp thời chuyển đến tuyến đầu chống dịch (tháng 8).

Chương trình nghệ thuật trực tuyến Nối vòng tay lớn với thông điệp Đất nước đồng lòng, vượt qua đại dịch Covid-19, diễn ra tối 26.9 tại Nhà hát TP.HCM, do Sở

VH-TT TP.HCM, Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE) và Quỹ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức kêu gọi được hơn 102 tỉ đồng, ủng hộ mua trang thiết bị

y tế, vắc xin, thuốc điều trị Covid-19…, đóng góp vào quỹ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM quản lý.

Đóng góp của các ca sĩ, diễn viên khác

Ca sĩ Đan Trường, dù đang sinh sống ở Mỹ, vẫn hướng về quê nhà và nỗ lực kết nối với ê kíp của mình để có những hoạt động thiết thực hỗ trợ bà con trong tháng 8, 9. Cụ thể, anh cùng các cộng sự đã tìm nguồn rau tươi hơn 3 tấn gửi đến những người dân nghèo, người trong khu phong tỏa. Đan Trường cùng học trò Trung Quang đã gửi 800 phần quà là các nhu yếu phẩm đến UBND Q.3, TP.HCM, nhờ trao cho các hoàn cảnh khó khăn. Anh chia sẻ: “Trong thời gian tới, tôi hy vọng sẽ đồng hành với bà con trong nhiều hoạt động thiện nguyện khác bởi tôi tin rằng tinh thần đoàn kết chính là sức mạnh lớn nhất để mọi người cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Ca sĩ Hà Anh Tuấn: hỗ trợ 25 tấn gạo, 50.000 trứng gà và 300 lít dầu ăn cho nhiều bếp ăn từ thiện tại TP.HCM khi dịch bùng phát lần thứ 4. Anh mong muốn lan tỏa thông điệp Sài Gòn cùng nhau nấu cơm để sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn (tháng 6).

Diễn viên Việt Trinh cùng gia đình ủng hộ 260 triệu đồng cho đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để chung tay phòng chống dịch (tháng 6).

Và rất nhiều nghệ sĩ trên cả nước đã không chỉ mang tiếng hát, lời ca... mà đã có đóng góp thiết thực cho công cuộc phòng, chống dịch, để lại những dấu ấn đẹp không chỉ trong sự nghiệp biểu diễn mà đối với chính người hâm mộ, khán giả của mình.

Nguyên Vân

Tin liên quan

  • Nghệ sĩ chung tay phòng chống dịch
  • Tác giả 'Sài Gòn tôi sẽ' cùng văn nghệ sĩ cổ động tinh thần người dân chống dịch
  • Âm nhạc 'nối con tim, dựng tình người trong ngày mới'
Theo thanhnien.vn
back to top