Ngành vận tải biển: Cách nào giành lại thị phần?

Dù giá cước vận chuyển container từ Việt Nam đi cảng biển châu Âu và Bắc Mỹ đã tăng từ 5 đến 10 lần so với những tháng đầu năm 2020, nhưng phần lớn lợi nhuận lại rơi vào tay các hãng tàu ngoại.

Hãng tàu nước ngoài chiếm lĩnh thị trường

Sau 3 tháng Tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra 9 hãng tàu biển và làm việc với các hiệp hội ngành hàng, Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có Công văn số 2606/CHHVN-VTDVHH báo cáo Bộ GTVT về kết quả kiểm tra giá cước và phụ thu ngoài giá cước của hãng tàu nước ngoài.

Theo ghi nhận của tổ kiểm tra, cả 9 hãng tàu ngoại đều có đại diện tại Việt Nam dưới hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thay mặt hãng tàu thực hiện hoạt động kinh doanh và làm đại lý theo hợp đồng. Doanh thu từ giá cước vận tải và các loại phụ thu theo giá được chuyển về công ty mẹ tại nước ngoài. Hãng tàu thực hiện nộp thuế nhà thầu và các loại thuế phí khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đối với các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ, tỷ lệ container trực tiếp đặt chỗ từ Việt Nam với hãng tàu rất thấp (chỉ chiếm 10% đối với tuyến đi Bắc Mỹ, 20% tuyến đi châu Âu) và phần lớn được thực hiện thông qua các công ty giao nhận, đại lý, logistics. Việc ký hợp đồng vận tải và trả cước vận tải thường do đối tác nước ngoài (người mua hoặc người bán) đảm nhận. Chỉ có một số ít chủ hàng lớn tại Việt Nam ký hợp đồng trực tiếp với các hãng nước ngoài do có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ổn định.

Đại diện Tổ công tác liên ngành cho biết, thị phần vận tải hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Bắc Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu nước ngoài. Các chính sách giá cước, các loại phụ thu cũng do hãng tàu quyết định. Các chủ hàng Việt Nam quy mô nhỏ, nhu cầu theo thời vụ, nên không có kế hoạch ký kết hợp đồng vận tải dài hạn, dẫn đến gặp nhiều rủi ro khi thị trường vận tải biến động.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho rằng, do chiếm lĩnh thị trường nên các hãng tàu ngoại thu rất nhiều loại phụ thu ngoài giá cước đối với chủ hàng xuất nhập khẩu Việt Nam. Ngay trong giai đoạn đại dịch Covid-19, các hãng tàu ngoại tiếp tục tăng các loại phụ phí và tăng giá cước, khiến chi phí vận tải của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đi các thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ leo thang.

Cần thực hiện container hóa đội tàu Việt Nam

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết, Việt Nam là quốc gia có lượng hàng hóa xuất khẩu bằng container vào Hoa Kỳ đứng thứ hai tại châu Á, với sản lượng lên tới 945.000 TEU, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, cao gấp đôi Hàn Quốc với 418.000 TEU. Trong nửa đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng hàng xuất, nhập khẩu được đóng gói bằng container tại khu phức hợp cảng nước sâu Cái Mép đã tăng trưởng tới 41% và chiếm khoảng 60% lượng hàng container xuất khẩu cả nước. Hiện cụm Cái Mép - Thị Vải đang được kết nối với Hoa Kỳ bằng 21 chuyến tàu chở container đi thẳng mỗi tuần.

Có thể nhận thấy, sự hụt hơi của các doanh nghiệp vận tải biển nội trong cuộc đua giành thị phần vận chuyển container xuất khẩu đã diễn ra từ khá lâu và ngày một trầm trọng. Việc mở các tuyến vận tải biển đi thẳng tới Hoa Kỳ, châu Âu luôn là khát vọng rất lớn đối với các doanh nghiệp hàng hải trong nước. Tuy nhiên, đây thực sự là một thách thức không dễ vượt qua đối với các hãng tàu nội đều đang rất khó khăn về tài chính. Do đó, việc mở, tiến tới khai thác các tuyến vận tải đến châu Âu, Bắc Mỹ bằng đội tàu treo cờ Việt Nam là một chặng đường rất dài, trong đó bước khởi đầu là việc cần sớm đẩy nhanh tiến trình container hóa đội tàu Việt Nam.

Một trở ngại lớn trong việc tái cơ cấu, đổi mới đội tàu theo hướng container hóa là phần lớn đội tàu Việt Nam đầu tư trong giai đoạn phát triển nóng, giá tàu rất cao, vốn đầu tư đi vay của các ngân hàng thương mại. Đội tàu ngày càng cũ, khó cạnh tranh được với đối tác nước ngoài có đội tàu thế hệ mới, do đó nếu không có sự hợp tác hỗ trợ của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước thì tiến trình container hóa đội tàu Việt Nam sẽ rất khó khăn.

Theo các chuyên gia hàng hải, muốn có những doanh nghiệp dẫn dắt trong lĩnh vực vận tải biển quốc tế, từng bước giành lại thị phần vận chuyển container xuất, nhập khẩu thì cả chủ hàng, cơ quan quản lý nhà nước cần phải chung tay hỗ trợ các hãng tàu trong nước, đặc biệt là tạo nguồn hàng ổn định, ưu đãi vay vốn tín dụng.

             
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 334/VPCP-KTTH ngày 4/1/2021 của Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan được thành lập để tiến hành kiểm tra về giá cước và phụ thu ngoài giá của các hãng vận tải trên thế giới như: MSC, OOCL, CMA - CGM, Hapag - Lloyd, ONE, Evergreen, HMM, Maersk Lines, Yangming. Các hãng tàu này đang đảm nhận các tuyến đi châu Âu, Bắc Mỹ xuất phát từ cảngLạch Huyện và cảng Cái Mép - Thị Vải.
    
Theo congthuong.vn
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top