Ngân hàng "chật vật" xử lý nợ xấu mùa dịch

(khoahocdoisong.vn) - Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng liên tiếp rao bán các khoản nợ, thanh lý tài sản đảm bảo từ "sắt vụn" tới bất động sản. Có những khoản nợ, ngân hàng phải tổ chức đấu giá tới hơn 20 lần, dù “đại hạ giá” vẫn không có người mua.

Thanh lý "thượng vàng hạ cám"

Trong những tháng qua, hầu như ngày nào BIDV cũng rao bán nợ, thanh lý hàng loạt tài sản đảm bảo. Ngày 10/9, BIDV đã tổ chức đấu giá lần thứ 17 đối với khoản nợ của 1 khách hàng doanh nghiệp là Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn cùng với 95 khách hàng cá nhân. Giá khởi điểm được đưa ra là 800 tỷ đồng, thấp hơn 1.935 tỷ đồng so với tổng dư nợ (cả gốc và lãi).

Ngày 18/9, BIDV đã thông báo bán nợ lần 3 đối với khoản nợ 159 tỷ đồng của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Trung ương. Tài sản đảm bảo được thanh lý là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất và máy móc trang thiết bị của trang trại lợn tại tỉnh Ninh Bình.

Ngày 14/9, BIDV tổ chức thanh lý lần thứ 6 tài sản đảm bảo là lô đất 8.146m2 ở Vũng Tàu của Công ty CP Du lịch và Thương mại Nông nghiệp Việt Nam.

Không chỉ những khối tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ được rao bán, những tài sản nhỏ khác như ô tô cũ, máy móc bị bỏ không cũng được ngân hàng liên tục thanh lý. Thậm chí, một chiếc ô tô bán tải hiệu Ford đời 2001 đã được BIDV rao bán với giá 50 triệu đồng vào ngày 16/9.

VietinBank cũng liên tiếp tổ chức đấu giá, thanh lý một loạt tài sản đảm bảo là bất động sản và ô tô, tàu cá. Khoản nợ của nhà máy bê tông nhựa Quảng Nam với tài sản bảo đảm là lô đất 20.000m2 ở KCN Hậu cần cảng Tam Hiệp (Quảng Nam) ban đầu được rao bán là 8 tỷ đồng vào ngày 3/9. Nhưng đến 16/9, tài sản này đã được “hạ giá” xuống còn 7 tỷ đồng.

Đặc biệt, với khoản nợ 257 tỷ đồng (gồm nợ gốc và lãi) của Công ty CP Beton 6 được VietinBank rao bán trong tháng 7/2020 vẫn không có kết quả. Hiện Beton 6 đã mất khả năng trả nợ và nộp đơn xin phá sản. Không biết ai sẽ dám mua lại khoản nợ hàng trăm tỷ của một công ty đang làm thủ tục phá sản?

Ngoài ra, VietinBank cũng đang rao bán một loạt ô tô, trong đó có xe khách cũ, sản xuất năm 2008 được đấu giá tới 5 lần, giảm giá từ 369 triệu đồng xuống 196 triệu đồng trong vòng 3 tháng nhưng không ai mua.

Tương tự, có những tài sản bất động sản, VPBank phải tổ chức đấu giá đến 7 - 8 lần đều thất bại. Một loạt ô tô được rao bán, với đủ các giá nhưng vẫn “ế ẩm”.

Sacombank đã đưa hàng loạt bất động sản (BĐS) là tài sản thế chấp của các khoản nợ ra đấu giá. Đáng chú ý, khối tài sản là quyền sử dụng đất có diện tích 6.327m2 của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh BĐS Tân Phong được ra giá là 711 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 21 lần tổ chức đấu giá, Sacombank vẫn không "đẩy" được món nợ lớn này đi. Hiện, Sacombank vẫn còn một loạt tài sản đảm bảo cần được xử lý lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Agribank cũng đang ráo riết rao bán các khoản nợ, thanh lý tài sản đảm. Tài sản thấp thì vài trăm triệu đồng, lớn cũng vài trăm đến nghìn tỷ đồng. Những khoản nợ này được ngân hàng thông báo rao bán mỗi ngày và hầu như không thu được kết quả khả quan.

“Đại hạ giá” nhưng vẫn "đắt"

Trao đổi với KH&ĐS, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính, Ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến còn nhiều phức tạp như hiện nay, việc tổ chức đấu giá, thanh lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng sẽ gặp phải không ít khó khăn. Nền kinh tế khủng hoảng khiến sức mua yếu, nhu cầu giảm, do đó dù các ngân hàng rao bán, đấu giá thêm bao nhiêu lần nữa cũng không thể đạt được giá thành mà ngân hàng mong muốn. Ngay thời điểm thị trường tích cực, những tài sản thanh lý gắn với nợ xấu này cũng đã khó bán. Người mua còn e ngại hơn khi việc chuyển nhượng bất động sản được ngân hàng thanh lý còn nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Trong một số trường hợp, việc đấu giá, thanh lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề định giá tài sản và mức giá khởi điểm đưa ra chưa sát với thị trường, dẫn đến chênh lệch giá, cao hơn thực tế. 

Chẳng hạn, tàu chở hàng rời trọng tải 53.000 tấn được BIDV đưa giá gần 200 tỷ đồng sau 8 lần tổ chức đấu giá là không hợp lý trong tình trạng tàu dù còn mới nhưng không phù hợp với yêu cầu khai thác (giá khởi điểm ban đầu là hơn 300 tỷ đồng).

Hoặc Kielongbank mới đây rao bán tài sản đảm bảo là hơn 176 triệu cổ phiếu STB của Sacombank với giá hơn 17.000đ/cổ phần sau 3 lần đấu giá thất bại (lần đầu chào giá: 24.000đ/cp). Điều này cũng là phi lý, khi giá thực tế của cổ phiếu STB chỉ dao động trên dưới 11.000đ/cp.

Để thúc đẩy việc thanh lý tài sản đảm bảo, xử lý được các khoản nợ xấu, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng chỉ có cách điều chỉnh giá thành một cách hợp lý và biết chấp nhận lỗ. Số tiền thu về có thể thấp hơn nhiều so với con số kỳ vọng, thậm chí thấp hơn dư nợ, nếu không ngân hàng có khả năng mất trắng số tài sản đảm bảo đó.

Không chỉ trong năm nay, dự tính năm 2021, thị trường vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn. Càng giữ lâu, giá trị của tài sản đảm bảo càng đi xuống, việc thanh lý càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là với các loại tài sản động như ô tô, tàu thủy, máy móc... - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Trong trường hợp ngân hàng vẫn không thể thanh lý được dù đã “đại hạ giá” thì họ phải tìm cách khai thác các tài sản đảm bảo đó để tạo ra nguồn thu trong ngắn hạn.

“Ngân hàng không được phép kinh doanh bất động sản, nhưng trong trường hợp này,  tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước có thể châm chước cho các Ngân hàng thương mại trong việc khai thác tài sản đảm bảo này, khi không thể thanh lý được. Chẳng hạn có thể cho thuê lại một số loại hình bất động sản, ô tô… Đồng thời, có thể đưa ra quy định, trong quá trình xử lý tài sản, nếu không có khách hàng trả giá thì tài sản đó sẽ thuộc quyền sở hữu của ngân hàng” - TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm.

Theo Đời sống
back to top