Ngăn chặn hơn 2000 website lừa đảo, vi phạm pháp luật

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn các website lừa đảo.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng trong thời gian qua trở nên phổ biến hơn. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, đối tượng lừa đảo đã thu thập trái phép thông tin cá nhân của người dân hoặc giả mạo các tổ chức tài chính, ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, các hình thức lừa đảo trực tuyến chủ yếu là: giả mạo thương hiệu (72,6%), giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến (11,4%), hình thức khác (16%) như lừa đảo trúng thưởng, việc làm online, app cho vay...

Các đối tượng thường lập website/blog giả mạo, thư điện tử giả mạo, giả mạo cá nhân qua tài khoản trực tuyến.

Ngăn chặn hơn 2000 website lừa đảo, vi phạm pháp luật ảnh 1

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, người dân Việt Nam dùng Internet nhiều (trung bình 7 tiếng/ngày). Thời gian sử dụng Internet này khá nhiều. Trong khi đó, một số người nhẹ dạ, cả tin, nhận thức về an toàn thông tin còn hạn chế; Nhiều người ham trúng thưởng, khuyến mại nên mắc phải bẫy lừa đảo trực tuyến.

Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều giải pháp để bảo vệ người dân trên không gian mạng. Theo Cục An toàn thông tin, năm 2022, Cục đã điều phối ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, vi phạm pháp luật. Trong đó, có 1.342 trang website lừa đảo trực tuyến, 986 trang web/blog vi phạm pháp luật; Bảo vệ 4,33 triệu người dân, tương đương 6,8% người dùng Internet Việt Nam không truy cập website lừa đảo.

Theo các chuyên gia, các website lừa đảo thường thuê chung máy chủ, có tên miền gần giống nhau, sử dụng các công cụ thiết kế mã nguồn web như WordPress để giả giao diện. Đối tượng thường tắt máy chủ sau khi kết thúc chiến dịch lừa đảo, chỉ mở lại khi cần thiết.

Những website mạo danh thường tồn tại trong thời gian rất ngắn, có thể chỉ trong nửa ngày. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở số lượng nhóm lừa đảo rất nhiều, khi ngăn chặn xong một website lại xuất hiện tên miền lừa đảo khác.

Danh sách các website lừa đảo trực tuyến cũng được công khai trên Cổng khonggianmang.vn để người dân tra cứu, xác minh, phản ánh lừa đảo trực tuyến.

Trước đó, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) có thông báo gửi đến Công an các địa phương, khuyến cáo người dân cảnh giác thủ đoạn gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Qua điều tra, Bộ Công an xác định thủ đoạn do đường dây tội phạm chuyên nghiệp xuyên quốc gia gây ra. Cầm đầu là người nước ngoài, cấu kết với một số người Việt để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không truy cập các đường link, tên miền lạ gửi qua email, điện thoại. Ngoài ra, không cung cấp OTP cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng để tránh sập bẫy./.

Theo Đời sống
back to top