Doanh nghiệp Coca-Cola đã bị truy thu và phạt thuế vì áp dụng chiêu chuyển giá. |
Nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam" của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách đã chỉ ra, con số mà doanh nghiệp (DN) FDI trốn thuế lớn gấp 3 - 4 lần so với con số vi phạm mà cơ quan chức năng phát hiện hằng năm.
Mức thất thu thuế có xu hướng tăng kể từ năm 2014 đến nay. Ước tính mức thuế thất thu vào khoảng 15.600 - 20.700 tỷ đồng mỗi năm, lớn gấp khoảng 3 - 4 lần con số vi phạm phát hiện hằng năm. Trong đó, mức thất thu từ FDI lên tới 8.000 - 9.000 tỷ đồng, tương đương 4 - 4,5% số thu thuế thu nhập DN. Còn mức thất thu từ ngân sách Nhà nước hằng năm có thể lên tới 10.500 tỷ đồng, xấp xỉ 5% số thu thuế thu nhập DN hằng năm.
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, phần lớn DN FDI lợi dụng lỗ hổng trong quy định về hải quan và thuế được để trốn và gian lận thuế. TS Nguyễn Hoàng Oanh, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, “chiêu trò” phổ biến để trốn thuế ở các DN FDI là chuyển giá. Tại Việt Nam, các DN đa quốc gia có cơ hội thuận lợi nhất để lẩn tránh thuế. Họ thành lập rất nhiều chi nhánh ở nước ngoài, chuyển lợi nhuận ở nơi có mức thuế suất cao sang mức thuế suất thấp.
Có rất nhiều hình thức chuyển giá, thường gặp là các DN FDI lợi dụng góp vốn vào DN trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Hoặc nâng chi phí đầu vào sản xuất cao hơn nhiều so với thực tế, từ đó kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ và trốn được trách nhiệm nộp thuế thu nhập DN...
Hình thức chuyển giá theo kiểu chuyển nợ quốc tế cũng rất phổ biến. Các DN mẹ đặt ngoài Việt Nam lợi dụng quy định chi phí lãi vay được khấu trừ khỏi thu nhập thực tế, từ đó khuyến khích các công ty con tại các nước có thuế suất cao chuyển khoản nợ sang DN có mức thuế suất thấp để hưởng lợi khoản khấu trừ thuế, lãi vay đối với khoản nợ.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Cố vấn cao cấp của VEPR, để chống chuyển giá, trốn thuế, Việt Nam đang có xu hướng giảm thuế thu nhập DN để cạnh tranh đối với các quốc gia khác trong khu vực. Điều đó có thể dẫn đến cuộc đua ưu đãi thuế giữa các nước ASEAN. Việt Nam có quy mô kinh tế lớn hơn nên cần có hướng đi chiến lược và bài bản hơn.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Việt Nam cần triển khai nghiên cứu thực hiện các quy định nhằm chống xói mòn cơ sở thuế và chống vốn mỏng; Bổ sung các vấn đề về cạnh tranh thuế, ưu đãi thuế và phòng chống trốn và tránh thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN; Tăng cường trao đổi thông tin, yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia có báo cáo theo từng quốc gia.