Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa Anesthesiology, dù không thể cảm nhận cơn đau khi bị gây mê, não vẫn duy trì việc theo dõi những gì đang diễn ra bên ngoài, nhất là khi nghe thấy các âm thanh đáng lo ngại. Một số còn có thể nhớ lại vài tình tiết khá mơ hồ của cuộc phẫu thuật.
Một trong các tác giả của nghiên cứu, Giáo sư Antti Revonsuo, (Đại học Turku, Phần Lan), cho biết: “Hầu hết người tham gia cho biết họ có trải nghiệm như đang ở trong một giấc mơ, đôi khi pha lẫn với hiện thực”.
Bệnh nhân vẫn có thể nhận thức dù đã được gây mê. Ảnh: Shutterstock.
Ông Revonsuo đã đánh giá 47 người khỏe mạnh được cho dùng thuốc mê dexmedetomidine hoặc gây mê bằng propofol tới khi không còn phản ứng. Trong lúc đó, đội nghiên cứu sẽ tìm cách để đánh thức người tham gia và ghi lại sóng não của họ suốt thời gian thử nghiệm.
Sóng não cho thấy những người bị mê man luân chuyển giữa hai trạng thái ngủ say và nhận thức. Tất cả người tham gia thử nghiệm đều có vẻ chú ý khi nghe thấy những âm thanh khó chịu và phản ứng nhanh hơn khi nghe lại chúng lúc tỉnh.
Cộng sự của ông Revonsuo – Harry Scheinin – cho biết: “Nói cách khác, não vẫn có thể tiếp nhận âm thanh và từ ngữ dù sau đó đối tượng không nhớ lại. Trái với quan niệm thông thường, gây mê không đòi hỏi bệnh nhân phải hoàn toàn mất nhận thức, chỉ cần đủ để bệnh nhân mất kết nối với môi trường bên ngoài”.
Tháng 10/2017, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng ý thức con người vẫn hoạt động sau khi cơ thể đã mất đi dấu hiệu của sự sống, nghĩa là họ có thể nhận thức một phần cái chết của mình.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa Langone (New York) đánh giá những người trải qua tình trạng ngưng tim và sau đó “sống lại”. Tiến sĩ Sam Parnia cho biết: “Họ mô tả thấy bác sĩ và y tá làm việc, nhận thức rõ toàn bộ cuộc trao đổi, về những thứ đang diễn ra – những điều lẽ ra họ không biết”.
Điều này được chứng thực bởi đội ngũ bác sĩ và y tá. Họ cho biết bệnh nhân của mình, người đã chết lâm sàng, nhớ đúng chi tiết những gì họ đã nói.
Theo Hải Đăng (News.zing.vn)