Nam thanh niên bị bỏng độ 3 khi dùng cồn nướng mực

Thói quen sử dụng cồn khi nướng mực khiến nhiều người phải nhập viện vì bỏng nặng. Trường hợp gần nhất là bệnh nhân Lê Quang Vinh (16 tuổi) bị bỏng độ 3, diện tích 15% khi đang nướng mực.

Bác sĩ Nguyễn Nam Giang, Phó trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, cho hay vào những ngày hè nắng nóng, số ca bệnh nhân bỏng phải nhập viện tăng khá nhiều.

Đặc biệt, trong dịp nghỉ hè, nhiều gia đình gia đình du lịch biển thường mua mực về làm quà. Việc sử dụng cồn để nướng mực chính là nguyên nhân khiến cho nhiều tai nạn bỏng đáng tiếc xảy ra.

Trường hợp gần nhất là bệnh nhân Lê Quang Vinh (16 tuổi) bị bỏng độ 3, diện tích 15% khi đang nướng mực.

Bệnh nhân Lê Thanh Vinh bị bỏng cồn khi đang nướng mực. Ảnh: XP.

Theo bác sĩ Nam Giang, bỏng cồn rất nguy hiểm và có thể gây chết người. Do đó, tại các chuyên khoa bỏng, các bác sĩ đều khuyến cáo người dân nên bỏ thói quen sử dụng cồn để nướng thức ăn.

‘Đặc điểm của cồn, đặc biệt khi nướng mực, là có ánh sáng xanh hoặc trắng, nên bằng mắt thường khó phát hiện việc lửa đã tắt hay chưa. Khi bạn tiếp tục đổ cồn có thể khiến lửa bùng lên rất nguy hiểm’, bác sĩ Giang nói.

Tùy theo mức độ, diện tích bỏng khi khỏi, bệnh nhân thường có sẹo co rúm trên da, thời gian điều trị khá lâu. Bệnh nhân bị bỏng cồn có thể gây ra tình trạng tổn thương các giác quan và đường hô hấp, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ Giang cảnh báo do không nhận thức được hậu quả của bỏng cồn nên hiện nay rất nhiều người dân chủ quan vẫn sử dụng cồn để nướng thức ăn.

‘Người dân nên nướng trên bếp than, bếp lửa. Nếu nướng bằng cồn, bạn cần quan sát kỹ để ngọn lửa tắt hoàn toàn, dập tắt chúng, tránh đổ thêm cồn trực tiếp vào ngọn lửa’, bác sĩ Giang khuyến cáo.

Khi bị bỏng, người dân cần tìm cách dập lửa bằng nước và đưa bệnh nhân đi cấp cứu nếu vết bỏng lớn.

Theo Hà Quyên (News.zing.vn)

Theo Đời sống
back to top