Năm 2020, thu nhập của nông dân sẽ tăng 2,5 lần

(khoahocdoisong.vn) - Nông nghiệp đang đóng góp 15% trong GDP. KH&CN được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua.

Ngày 27/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cắt băng khai mạc triển lãm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Hội nghị có sự tham dự của hơn 1000 đại biểu trong nước và quốc tế.

Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã khẳng định tính đúng đắn của một Nghị quyết mang tầm chiến lược của Đảng đối với một khu vực chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động của cả nước. Điều này được thể hiện rõ nét trong những kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực đạt được trong 10 năm qua.

Dự kiến, đến năm 2020 các chỉ tiêu đạt và có khả năng đạt là: Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay (năm 2017 đạt khoảng 32 triệu đồng/người, tăng 3,49 lần so với năm 2008). Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội (năm 2017 đã giảm còn 40,1% và đến tháng 6/2018 còn 38,6%). Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (dự kiến sẽ đạt trên 50%). Nâng hiệu suất sử dụng các công trình thủy lợi lên trên 80% (năm 2017 hiệu suất phục vụ tưới đạt 78%, hiệu suất phục vụ tiêu đã đạt 90,2%).

Trước phiên khai mạc vào ngày 27/11, chiều 26/11 đã diễn ra 3 hội thảo quốc tế về các chủ đề “Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vì một Việt Nam thịnh vượng”, “Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”; “Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” và Triển lãm thành tựu 10 năm phát triển nông nghiệp nông dân và nông thôn.

Tại hội thảo "Ứng dụng khoa học - công nghệ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn" do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã nêu, nhiều kết quả cho thấy khoa học đang hiện hữu trong từng sản phẩm nông sản Việt. Từ chỗ Việt Nam chỉ có 5 nhóm hàng nông sản giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm, nay là 10 mặt hàng đạt trên 3 tỉ USD/năm. Như cây thanh long, nhờ nghiên cứu cải tạo giống cho năng suất cao trung bình 40-50 tấn/ha, tăng 74,5% so với giống cũ, đã làm lợi cho sản xuất khoảng 13.000 tỷ đồng/năm. Các giống lúa tiêu biểu cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh OM5451, OM4900... cũng làm lợi hàng chục nghìn tỉ đồng/năm. Theo các chuyên gia, nông nghiệp đang đóng góp 15% trong GDP.

KH&CN được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua. Với sự đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, KH&CN đã đóng góp có hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá nông sản và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay KH&CN đã có những bước phát triển vượt bậc làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 30%. Đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía,… được sử dụng giống mới, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng…  Đến hết năm 2017, 800 tiêu chuẩn, 210 quy chuẩn kỹ thuật đã được công nhận, ban hành và áp dụng hiệu quả.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ, bàn luận về những nội dung liên quan đến tình hình nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững; Giải pháp thúc đẩy ứng dụng KH&CN để phát triển toàn diện ngành nông nghiệp; Gắn kết đào tạo nguồn nhân lực với nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp; Ứng dụng IoT trong nông nghiệp… Đồng thời, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ cập nhật thông tin về những công nghệ hiện đại, những kết quả nghiên cứu mới giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp hiện nay như công nghệ cảm biến trong theo dõi các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, giải pháp công nghệ trong sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản, ứng dụng IoT và công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp…
 

Theo Đời sống
Có gì mới trong macOS Sequoia?

Có gì mới trong macOS Sequoia?

Apple đã chính thức giới thiệu macOS 15 Sequoia, phiên bản mới nhất của hệ điều hành dành cho máy Mac. macOS Sequoia là một bản cập nhật miễn phí, có thể được tải xuống trên các dòng máy.
Bluetooth 6.0 ra mắt có gì mới?

Bluetooth 6.0 ra mắt có gì mới?

Mới đây, tại sự kiện IFA 2024, Bluetooth Special Interest Group đã tạo ra dấu ấn riêng khi giới thiệu kết nối Bluetooth 6.0- một tiêu chuẩn mới giúp thay đổi thiết bị giao tiếp.
back to top