Mượn dịch Covid-19, nợ xấu có điều kiện được phình to

(khoahocdoisong.vn) - Bức tranh kết quả kinh doanh ngành ngân hàng 3 tháng đầu năm 2020 dần hiện rõ, khi các ngân hàng thương mại lần lượt công bố báo cáo tài chính quý 1/2020. Điểm chung thể hiện, nợ xấu của ngành cũng như tại hầu hết các thành viên đều có xu hướng tăng, đi cùng là việc nâng trích lập dự phòng, kéo giảm lợi nhuận.

Nợ xấu tăng do đâu?

Theo thống kê ban đầu của KH&ĐS, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trong quý 1/2020 tăng so với cùng kỳ và cả năm 2019. Điển hình như Kienlongbank, ngân hàng này gây sốc với nợ xấu bất ngờ tăng vọt từ 342 tỷ đồng lên 2.240 tỷ, tức tăng tới 6,6 lần.

Do vậy, Kienlongbank đã từ một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống vọt lên nhóm cao nhất. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này cuối tháng 3 lên tới 6,62%, trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 1,02%. Sự thay đổi đột ngột này là do nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của ngân hàng tăng tới 9 lần lên 2.127 tỷ đồng.

Không chỉ KienlongBank, nợ nhóm 5 cũng được ghi nhận tăng cao ở nhiều ngân hàng khác. Trong đó, so với cùng kỳ quý 1/2019, nợ xấu tại SeAbank tăng lên 1.437 tỷ đồng, tức tăng gấp 3 lần, tại BIDV nợ xấu tăng đến 45%, từ 7.231 tỷ đồng quý 1/2019 lên 10.453 tỷ đồng.

Hầu hết các lãnh đạo ngân hàng đều nêu hai lý do giải thích cho việc nợ xấu tăng mạnh, gồm nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC đến hạn trở lại và ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Tại nguyên nhân đầu tiên, theo lý thuyết, vào quãng thời gian năm 2014-2015, VAMC đã mua lại khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu từ các ngân hàng thương mại thông qua việc phát hành trái phiếu. Thời gian đáo hạn là 5 năm, tức khối nợ xấu này sẽ quay trở về vào năm 2019 và 2020.

Tuy nhiên, từ năm 2019, đã hình thành làn sóng tất toán nợ xấu bán cho VAMC. Tính đến hết ngày 30/12, có 11 trong tổng số hơn 20 ngân hàng mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu tại VAMC. Những ngân hàng khác cũng đã mua lại phần lớn nợ xấu đã bán cho VAMC. Do đó, nợ VAMC về là có nhưng sẽ không nhiều, sức ảnh hưởng cũng không mạnh. Đặc biệt khối nợ xấu này khi về sẽ bị xử lý ngay nhờ các khoản trích lập dự phòng từ các năm trước.

Ở nguyên nhân thứ hai, thực chất dịch Covid-19 mới chỉ tác động đến Việt Nam ở nửa cuối quý 1. Khi khoản vay mới được phát sinh, nếu khách hàng gặp khó khăn thì thời gian quá hạn khoản vay cũng chưa vượt quá 90 ngày để được phân bổ vào nợ xấu.

Thậm chí, theo Thông tư 01 của NHNN, một phần các khoản nợ cần chú ý, hay dưới tiêu chuẩn đều được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chưa chuyển nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Báo cáo của NHNN vào cuối tháng 3 cho thấy, các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng. Nhờ đó, nợ xấu ở nhiều ngân hàng trong quý 1/2020 phần nào được giảm đi đáng kể.

Vậy nợ xấu tăng thực chất do đâu? Một điểm đáng chú ý, dù nợ xấu ở các ngân hàng tăng, nhưng khoản lãi dự thu của những ngân hàng này trong quý 1 lại giảm. Ví dụ như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), khoản lãi dự thu của quý 1/2020 giảm 17% so với đầu kỳ, nhưng tỷ lệ nợ xấu lại tăng hơn 24%.

Như vậy, có thể hiểu nợ xấu trong quý 1 tăng vì dư âm của năm 2019 và đây là động thái chủ động làm sạch bảng cân đối của các ngân hàng.

Kéo tụt lợi nhuận

Quý vừa qua, kết quả kinh doanh của các ngân hàng phải chịu tác động kép khi thu nhập lãi thuần chậm, nhưng vẫn tăng trích lập dự phòng do nợ xấu tăng cao.

Nếu như thu nhập lãi thuần của các ngân hàng ở các quý trước đây, tỷ lệ tăng trưởng thường là 2 con số trở lên, thậm chí tăng phi mã đến 1.418% của Vietinbank trong 3 tháng cuối năm 2019, thì tốc độ tăng trưởng lãi thuần của quý 1/2020 của hầu hết các ngân hàng lớn chỉ dừng ở mức 1 con số.

Nguyên nhân của việc sụt giảm thu nhập lãi thuần ở nhiều ngân hàng là bởi nền kinh tế đang hấp thụ vốn rất kém. Mới đây, tăng trưởng tín dụng sau khi đạt mức 1,3% tính đến hết quý 1, thì thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết tính đến giữa tháng 4/2020 chỉ còn tăng 0,8%. Tính riêng trong nửa đầu tháng 4 tín dụng đã giảm 0,5 điểm phần trăm.

Với hoàn cảnh hiện tại cùng việc nợ xấu có xu hướng tăng cao như đề cập bên trên, các ngân hàng đồng loạt tăng cường trích lập dự phòng. Chính động thái mạnh tay trích lập chi phí dự phòng đã kéo tụt lợi nhuận.

Cụ thể, Vietinbank nâng mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên 4.393 tỷ đồng, tăng 36% so với quý 1/2019 khiến lợi nhuận trước thuế giảm 6%, ghi nhận 2.974 tỷ đồng. BIDV cũng tăng chi phí dự phòng của mình 855 tỷ đồng so với cùng kỳ lên 6.041 tỷ đồng. Điều này đã khiến cho lợi nhuận của ngân hàng đảo chiều, giảm 707 tỷ đồng trong quý 1/2020.

Tại Vietcombank, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng 43%, từ 1.506 tỷ đồng ở quý 1/2019 lên 2.152 tỷ đồng trong quý 1/2020. Lợi nhuận trước thuế chỉ còn 5.223 tỷ đồng, tăng trưởng âm 11,15% so với cùng kỳ.

Một số ngân hàng khác cũng tăng trích lập dẫn đến lợi nhuận bị kéo tụt còn có MBBank, KienlongBank, Techcombank, TPBank…

Các chuyên gia đánh giá, nợ xấu của ngành ngân hàng có nguy cơ tăng lên là điều khó tránh khỏi vì các biện pháp cơ cấu nợ, giãn nợ, khoanh nợ chỉ dồn nợ xấu thành “cục máu đông”.

“Sổ sách có thể đẹp nhưng thực chất các khoản lãi vay của ngân hàng vẫn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Trong khi đó, với những khoản vay không đủ điều kiện để tái cơ cấu nợ từ những năm trước, ngân hàng buộc vẫn phải chuyển thành nợ xấu theo quy định. Áp lực thoái thu lãi và trích lập dự phòng sẽ kéo lùi lợi nhuận”, một chuyên gia kinh tế chia sẻ.

Được biết, theo tính toán của NHNN, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý 1, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 1,9 - 3,2% vào cuối quý 2 và 2,6 - 3% vào cuối 2020.

Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý 2, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý 2 và cuối năm nay. Đặc biệt, nợ xấu có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém.

Đánh giá sơ bộ của cơ quan này cho thấy khoảng 2 triệu tỷ đồng (23% dư nợ tín dụng) tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, một số ngành chịu ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo 520.000 tỷ đồng (6,3% dư nợ nền kinh tế); nông, lâm, thủy sản khoảng 157.000 tỷ đồng; khai khoáng 45.000 tỷ đồng...

Theo Đời sống
back to top