Mục tiêu nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt 2.800 tỷ đồng

(khoahocdoisong.vn) - Riêng nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ carbon và giảm phát thải của rừng dự kiến sẽ đưa về cho dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ 300 - 500 tỷ đồng. 

Nguồn thu từ du lịch và thủy điện ngưng trệ

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (VNFF), số tiền DVMTR đang chi hỗ trợ 226 Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; hơn 138.000 chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; tạo nguồn thu cho 81 công ty lâm nghiệp để duy trì hoạt động khi không còn khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ sinh kế cho hơn 172.000 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng người dân miền núi bảo vệ rừng.

Cũng trong năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán hoạt động và tài chính trong hệ thống Quỹ cho giai đoạn 2011 - 2019. Kết quả kiểm toán khẳng định, chính sách chi trả DVMTR và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng là có hiệu quả trong việc huy động nguồn lực phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng với cơ chế tài chính và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn đầy đủ, phù hợp.

Tuy nhiên, theo phản ánh của ngành lâm nghiệp các địa phương, hiện nay, tại nhiều nơi, công tác thu phí DVMTR để chi trả cho các hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Thực tế, nguồn thu của các loại hình dịch vụ này mới tập trung chủ yếu vào hai loại chính là thủy điện và du lịch.

Tuy nhiên, trong năm 2020, ngành du lịch hầu như ngưng trệ; hoạt động sản xuất kinh doanh của một số hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu chịu ảnh hưởng lớn từ hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. Ngoài số ít địa phương có các doanh nghiệp thủy điện lớn thì còn lại hầu hết là nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, công suất thấp nên tiền đóng góp cho DVMTR không nhiều.

Bên cạnh đó, mức chi trả vẫn còn thấp hơn so với giá trị dịch vụ môi rừng tạo ra như chỉ 36đ/kWh đối với cơ sở sản xuất thủy điện, 52đ/m3 đối với cơ sở sản xuất nước sạch; có sự chênh lệch mức chi trả giữa các tỉnh và lưu vực vì phụ thuộc vào người sử dụng môi trừng rừng và vị trí lưu vực…

Ngoài ra, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu DVMTR.

Thống kê trong 10 năm qua, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 16.758 tỷ đồng, chiếm 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Diện tích rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng tăng từ gần 1,4 triệu ha năm 2011 đến năm 2020 là trên 6,8 triệu ha; trong đó rừng đặc dụng chiếm 18,8%, rừng phòng hộ 40,5%, rừng sản xuất 40,7%.

Mở rộng nguồn thu

Những khó khăn trên giải thích nguyên nhân tiền thu DVMTR trong năm 2020 đạt trên 2.566 tỷ đồng tiền DVMTR, nhưng mới chỉ hoàn thành 91% kế hoạch đề ra; trong đó, Trung ương thu trên 1.604 tỷ đồng; địa phương thu trên 962 tỷ đồng.

Để có nguồn tăng thêm cho DVMTR, Chính phủ đã đồng ý thêm hai loại DVMTR mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản.

Riêng đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước, hiện đã có 25 tỉnh, thành phố xác định được danh sách các cơ sở phải nộp tiền DVMTR, ký được 214 hợp đồng với số tiền thu được là 3,65 tỷ đồng, nâng tổng số hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR trên cả nước lên 871 hợp đồng.

Ngoài ra, số thu DVMTR trong năm 2020 chưa phản ánh đầy đủ giá trị dịch vụ của hệ sinh thái rừng mang lại. Ngoài thủy điện, nước sạch, nguồn thu này vẫn có thể tăng thêm từ các dịch vụ kinh doanh du lịch sinh thái sử dụng rừng, môi trường rừng.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong thời gian tới đây ngành lâm nghiệp sẽ mở rộng đối tượng như du lịch sinh thái; cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon trong nước và bán tín chỉ cacbon ra thị trường thế giới. Riêng nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ cacbon và giảm phát thải của rừng dự kiến sẽ đưa về cho DVMTR từ 300 - 500 tỷ đồng. 

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc chi trả tiền DVMTR đến tận người dân; đôn đốc, hướng dẫn thu các loại DVMTR mới, cùng với đó là nghiên cứu, mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác để phát triển thêm các nguồn thu mới; hoàn thiện cơ chế chia sẻ lợi ích đối với nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.

Do đó, năm 2021, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.800 tỷ đồng từ DVMTR, giúp đảm bảo duy trì quản lý, bảo vệ 6,5 triệu ha rừng (chiếm 44% diện tích rừng của cả nước).

Theo KH&ĐS
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top