Nguy cơ đóng cửa nếu không có giải pháp công nghệ
Những năm qua, các Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, Hà Nội thường xuyên bị người dân dựng lều, bạt chặn, không cho xe vận chuyển rác vào khiến tình trạng ùn ứ rác trong khu vực nội thành gây mất vệ sinh. Nguyên nhân được xác định là do các chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư không thỏa đáng; cộng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường vùng bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, đây là 2 khu xử lý chất thải rắn, tập trung lớn nhất Hà Nội, các nguồn chất thải chủ yếu được thu gom vận chuyển tới đây để xử lý.
Tìm hiểu cho thấy, Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn tại các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn có diện tích 83,5ha (giai đoạn I), mở rộng đến năm 2020 là 157ha, năm 2030 là 257ha, năm 2050 là 280ha. Công suất đến năm 2020 khoảng 4.500 tấn/ngày; năm 2030 khoảng 6.000 tấn/ngày; năm 2050 khoảng 7.000 tấn/ngày.
Trong khi đó, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn diện tích hiện có 13ha, mở rộng 2020 là 26ha, năm 2030 là 57ha, năm 2050 là 73,5ha công suất xử lý đến năm 2020 khoảng 700 tấn/ngày, đêm, đến 2030 khoảng 1.600 tấn/ngày, đêm; đến 2050 khoảng 2.500 tấn/ngày, đêm.
Mỗi lần người dân dựng lều chặn xe rác tại Khu xử lý chất thải Sóc Sơn là nội thành Hà Nội lại ùn ứ rác thải. |
Theo thống kê năm 2019, Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.500 tấn rác. Trong đó, Khu xử lý Nam Sơn (Sóc Sơn) tiếp nhận phần lớn, với khoảng 5.000 tấn mỗi ngày. Khoảng 1.500 tấn còn lại được chuyển về Khu Xuân Sơn (Sơn Tây) và một số nhà máy đốt rác nhỏ.
Hầu hết các nhà máy đốt rác phát điện trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều có quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả, trong khi nhiều khu xử lý nhỏ khác nằm tại các quận, huyện hiện cũng đã quá tải, thậm chí phải đóng cửa. Hiện 2 khu xử lý Nam Sơn và Xuân Sơn đang phải “gánh” chất thải Hà Nội nhưng cũng đã và đang khai thác vận hành gần hết công suất, dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng cửa.
Các dự án đều chậm
Trước thực trạng chất thải ngày càng gia tăng, TP Hà Nội đã chấp thuận cho đầu tư triển khai nâng cấp cũng như xây mới nhiều khu xử lý chất thải. Tuy nhiên, đến nay các dự án đều chậm tiến độ đề ra.
Với Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 1 có diện tích ban đầu là 83,5ha với 10 ô chôn lấp. Sau hơn 20 năm hoạt động, hiện khu xử lý chất thải này bị quá tải, khi phải tiếp nhận đến 5.000 tấn/ngày, xử lý chất thải sinh hoạt cho 17/31 quận, huyện, chiếm tới 77 % lượng rác của toàn TP Hà Nội.
Năm 2011 Hà Nội đã phê duyệt đầu tư mở rộng khu xử lý này (giai đoạn 2), với diện tích sử dụng đất tăng thêm 73,73ha, gồm 08 ô chôn lấp với diện tích 30ha và các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các ô chôn lấp chất thải rắn. Trong đó, khu phía Nam 36,26ha (nằm trên diện tích đất của hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn), gồm 6 ô chôn lấp hợp vệ sinh với công suất chôn lấp 4.984.620m3; khu phía Bắc 37,47ha (nằm trên diện tích đất xã Bắc Sơn), gồm 2 ô chôn lấp với công suất 1.883.890m3... và các hạng mục công trình khác với tổng mức đầu tư là 969 tỷ đồng.
Dù phấn đấu hoàn giải phóng mặt bằng vào năm 2017, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng và di dân khỏi khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường vẫn chưa hoàn thành cho nên dự án vẫn dậm chân tại chỗ.
Giai đoạn 2 nâng cấp mở rộng Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn trên 73ha. |
Trước tình trạng quá tải về rác thải tại các khu xử lý tập trung và nhằm giảm tỷ lệ sử dụng phương pháp chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, từ năm 2017, TP Hà Nội cũng đã kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại. Trong đó, Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư bốn dự án sử dụng công nghệ hiện đại: Dự án điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm, Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn công suất 1.000 tấn/ngày đêm, Dự án khí hóa rác thải thành điện năng công suất 500 tấn/ngày đêm, Dự án nhà máy khu xử lý chất thải Đồng Ké công suất 1.500 tấn/ngày đêm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cả 4 dự án này đang triển khai rất chậm, thậm chí còn chưa được khởi động. Hy vọng sớm nhất và cũng là dự án có công suất lớn nhất là dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đặt tại khu vực Nam Sơn, với mục tiêu đặt ra là đưa vào vận hành tháng 12 năm nay. Trong trường hợp Nhà máy Điện rác Sóc Sơn hoàn thành đúng tiến độ, chạy đúng công suất thì cũng chỉ xử lý được khoảng 80% lượng rác thải đổ về Khu liên hợp xử lý Sóc Sơn.
Đến nay, Hà Nội đã đầu tư hoàn chỉnh và đưa vào vận hành 4 nhà máy xử lý đốt rác không phát điện tại các khu vực Xuân Sơn - Ba Vì, Phương Đình - Đan Phượng, Việt Hùng - Đông Anh. Tuy nhiên, với tổng công suất thiết kế xử lý đốt của 4 nhà máy này mới là 895 tấn/ngày.
Dù vậy, nhưng thực tế các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ không phát điện đã được đầu tư xây dựng đều hoạt động chưa hiệu quả, không đảm bảo công suất thiết kế, thường xuyên hư hỏng phải dừng để bảo trì, sửa chữa. Một số dự án nhà máy xử lý tại Châu Can, Đông Lỗ, Hợp Thành, Lại Thượng tuy đã quyết định chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chậm tiến độ.
Một số khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp huyện (Đông Lỗ, Vân Đình, Yến Vĩ, Cao Dương, Kiêu Kỵ) bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh đã đầy và phải đóng cửa.
Điều đáng nói, ở tầng vĩ mô hiện nay, việc đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới các khu xử lý chất thải trên địa bàn Hà Nội chưa được phân bổ hợp lý. TP Hà Nội mới chỉ đầu tư các khu xử lý Sóc Sơn và Xuân Sơn trong khi đó vùng phía Nam, Đông - Nam chưa có khu xử lý, nhà máy nào hoạt động.
Rõ ràng, Hà Nội đã thấy tầm quan trọng vô cùng lớn của việc xử lý chất thải nhưng các dự án đã được phê duyệt đang đều rất chậm dẫn đến câu chuyện xử lý rác thải của TP Hà Nội vẫn còn nóng và kéo dài.