Mối nguy từ UVA trong nắng thu

Chúng ta thường coi nhẹ nắng thu vì nghĩ rằng khi ánh nắng không còn gay gắt như mùa hè thì tia tử ngoại UVA, UVB cũng yếu đi và nguy cơ gây hại cho làn da cũng vì thế mà giảm bớt. Tuy nhiên, thực tế không phải như chúng ta vẫn nghĩ…

UVA bị đánh giá thấp nguy cơ gây hại

Theo GS Roy Sanders, một chuyên gia da liễu tại Bệnh viện Mount Vernon (Anh), tia từ ngoại trong ánh nắng mặt trời có 3 loại chính là UVA, UVB và UVC. Trong đó, UVC với bước sóng từ 180 – 290nm là loại có  khả năng gây ung thư da cao nhất; tuy nhiên rất may là hầu hết UVC đều bị tầng ozone của bầu khí quyển giữ lại. 99% tia tử ngoại lọt xuống mặt đất là UVA và UVB.

Hai loại ánh sáng cực tím này chính là tác nhân dẫn đến nguy cơ ung thư da. UVA xâm nhập sâu vào da, kìm hãm hoạt động của hệ miễn dịch và phá hủy các tế bào. UVB cũng có tác động làm phá hủy các tế bào da. UVA cũng được chứng minh có nguy cơ lớn hơn trong việc gây ra các khối u hắc tố ác tính.

Theo bà Nguyễn Minh Hương, Trung tâm Thẩm mỹ Trúc Lâm (Tây Hồ, Hà Nội) từ trước đến nay nói đến tia tử ngoại nhiều người vẫn cho rằng UVB là loại tia nguy hại hơn với sức khỏe làn da, lý do là vì loại tia này có bức xạ lớn khi ánh nắng mặt trời  chói chang. Điều đó cũng giải thích cho việc nhiều người có xu hướng chú trọng bảo vệ da khỏi ánh nắng gắt của mùa hè.

Thực tế đúng là các tia UVB với những tia nhiệt có bước sóng ngắn chỉ có cường độ cao vào mùa hè. Nhưng UVA, tia bức xạ mà mọi người thường chủ quan, không nghĩ đến, lại là những tia sáng có bước sóng dài hơn, và có cường độ bức xạ không thay đổi theo mùa.

Ngay cả khi trong thời tiết mát mẻ, bạn không có cảm giác nắng cháy da khi đi ngoài trời, thì da bạn vẫn phải đón nhận bức xạ UVA. Chính thời tiết râm mát đã khiến mọi người có xu hướng đánh giá thấp nguy cơ gây hại của tia UVA và lơ là tác hại của nó với làn da.

Chú ý hệ sao trong sản phẩm chống nắng

Khi chọn kem chống nắng, mọi người thường chỉ biết đến chỉ số chống nắng SPF với suy nghĩ cho rằng chỉ số này càng cao thì khả năng bảo vệ da càng tốt. Thực tế, những loại kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF cao không chứng tỏ hiệu quả trong việc bảo vệ da khỏi sự giải phóng các gốc tự do, là nguyên nhân gây ra các u ác tính và hiện tượng da lão hóa sớm.

Các chuyên gia cũng nhận định điều “nguy hiểm” là ở chỗ mặc dù các loại kem chống nắng hiện nay chủ yếu có tác dụng bảo vệ da khỏi tia UVB hơn là tia UVA, nhưng người sử dụng lại không rõ việc đó. Chỉ số chống nắng ghi trên các nhãn chai hoặc tuýp kem chống nắng thường là mức độ bảo vệ đối với tia UVB. Ít người biết đến hệ sao, với ký hiệu từ 1 đến 4 sao, thường được in ở mặt sau chai thể hiện mức độ bảo vệ đối với tia UVA.

Chuyên gia tư vấn và chăm sóc da Nguyễn Tuyết Nhung, Công ty mỹ phẩm LG-Vina, cho biết chỉ số chống nắng SPF là thước đo khoảng thời gian mà da bạn có thể “chịu” được trước khi cháy nắng: nếu da bạn bắt đầu rám nắng sau 15 phút phơi nắng thì kem chống nắng SPF 10, về mặt lý thuyết sẽ tăng thời gian mà da bạn có thể an toàn dưới nắng lên gấp 10 lần, nghĩa là tương đương 2,5 giờ đồng hồ.

Bên cạnh đó là hệ thống sao UVA từ 1 đến 4 sao: nếu một loại kem chống nắng có tác dụng loại bỏ tối đa tác hại của cả tia UVA và UVB, nó phải đạt được mức tối đa là 4 sao. Nếu chỉ loại bỏ được 75% tia có hại thì kem chống nắng đó được xếp 3 sao; và thấp hơn là 2 sao, 1 sao. Tuy nhiên, thực tế người sử dụng lại ít chú ý đến hệ xếp loại sao này mà chỉ chọn sản phẩm có trị số chống nắng SPF cao.

Theo bà Nguyễn Tuyết Nhung, vào mùa thu khi ánh nắng không quá gay gắt, đồng nghĩa với bức xạ từ tia UVB đã giảm hơn, thì chỉ cần chọn kem chống nắng có chỉ số SPF dưới 30, nhưng hãy chắc chắn rằng sản phẩm bạn chọn được xếp 4 sao để có thể bảo vệ bạn tối đa khỏi tia UVA.

GS Mark Birch-Machin, một chuyên gia nghiên cứu ung thư da thuộc Hội nghiên cứu Ung thư Anh tại Đại học Newcastle, cho rằng tia UVA cũng gây nguy cơ xấu như tia UVB. Kem chống nắng chỉ là một trong các cách bảo vệ da và chúng ta không nên chỉ trông chờ vào mỗi cách này, mà vẫn nên có các biện pháp che chắn như mũ, kính, trang phục chống nắng khi ra ngoài.

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top