Mô hình chấn thương của BV Chợ Rẫy được vinh danh sáng tạo TPHCM 2021

“Xây dựng mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy” là công cụ số hóa đầu tiên tại Việt Nam giúp thu thập số liệu bệnh nhân chấn thương ở từng bệnh viện.

Tối 30/12/2021, Lễ công bố và trao tặng “Giải thưởng sáng tạo TPHCM lần 2 - 2021” do UBND TPHCM tổ chức, Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ), Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp thực hiện đã diễn ra long trọng tại Nhà hát TPHCM. 

edit-giai-thuong-sang-tao.jpg
“Xây dựng mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy” là công cụ số hóa đầu tiên tại Việt Nam giúp thu thập số liệu bệnh nhân chấn thương ở từng bệnh viện.

Đây là sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh các tổ chức và cá nhân có công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm, đề tài đạt giải đóng góp cho sự phát triển của TPHCM trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. 

58 giải pháp, đề tài, tác phẩm trong 7 lĩnh vực được trao giải bao gồm: Phát triển kinh tế, Quốc phòng - an ninh, Quản lý Nhà nước, Truyền thông, Văn học nghệ thuật, Khoa học kỹ thuật và Khởi nghiệp sáng tạo. 

Tại Lễ công bố và trao giải, đề tài “Xây dựng mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy” của nhóm tác giả đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy đã vinh dự nhận giải Ba trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật. 

khoa-cap-cuu-bv-cray.jpg
Kết quả nghiên cứu này có thể ứng dụng tại tại Bệnh viện Chợ Rẫy và mở rộng ứng dụng tại các cơ sở y tế khác, giúp cải thiện chất lượng cấp cứu chấn thương.

Là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, “Xây dựng mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy”, do Bệnh viện Chợ Rẫy chủ trì thực hiện, TS. Tôn Thanh Trà làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM nghiệm thu năm 2020.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, mỗi năm có khoảng hơn 9.000 người chết và khoảng 30.000 người bị thương do tai nạn giao thông.

Tình hình bệnh nhân chấn thương đặc biệt là tai nạn giao thông vẫn chưa có chiều hướng giảm. Trong khi đó, hệ thống cấp cứu trước viện tại Việt Nam vẫn chưa được hoàn chỉnh, năng lực cấp cứu chấn thương tại các tuyến y tế chưa đồng bộ.

khoa-cap-cuu.jpg
Các khoa Cấp cứu cần có những công cụ đơn giản, khách quan và có giá trị thực tiễn giúp các nhân viên y tế có thể phân loại mức độ nặng, nguy cơ tử vong của bệnh nhân chấn thương. 

Do đó, cần có những công cụ đơn giản, khách quan và có giá trị thực tiễn giúp các nhân viên y tế có thể phân loại mức độ nặng, nguy cơ tử vong của bệnh nhân chấn thương để tập trung nguồn lực cứu chữa hoặc chuyển viện kịp thời. 

Nghiên cứu xây dựng mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương qua các yếu tố cơ bản ban đầu khi tiếp nhận bệnh nhân tại khoa cấp cứu giúp tập trung nhân lực, vật lực cứu chữa, chuyển viện kịp thời, đúng nơi, đồng thời đánh giá chất lượng phục vụ cấp cứu chấn thương.

Nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu 1500 trường hợp chấn thương vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy với tuổi trung bình là 40,1±17,5; tỷ lệ nam/nữ là 2,8/1; tỷ lệ bị chấn thương sọ não là 53,1%. 

Kết quả nghiên cứu này có thể ứng dụng tại tại Bệnh viện Chợ Rẫy và mở rộng ứng dụng tại các cơ sở y tế khác. Qua đó giúp cải thiện chất lượng cấp cứu chấn thương; góp phần trang bị thêm công cụ cho nhân viên y tế để tiên lượng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân chấn thương tại thời điểm vào khoa cấp cứu. 

Phần mềm đã được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả. 

Theo Đời sống
back to top