Bước đi tích cực trong quản lý bệnh nhân Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - TPHCM vừa đưa ra mô hình 3 tầng trong quản lý các bệnh nhân Covid-19. Theo mô hình này, tầng 1 là các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng được điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở cách ly tập trung ở các quận huyện và TP Thủ Đức.

Giải tỏa áp lực và sự lo lắng cho bệnh nhân

Đây là mô hình có tính khoa học cao, đi sát với thực tế, đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công.

Hiện nay, TPHCM cũng đã triển khai và nhân rộng gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà dưới sự giám sát của đội ngũ bác sĩ online. Nhiều bệnh nhân nhận được sự tư vấn nhiệt tình, giải toả được áp lực và sự lo lắng, điều kiện chăm sóc an sinh tại nhà cũng thoải mái hơn. Bệnh nhân được hướng dẫn cách ly an toàn, tự chăm sóc bản thân và theo dõi dấu hiệu trở nặng để có quyết định nhập viện đúng thời điểm.

Tầng 2 bao gồm 74 bệnh viện điều trị Covid-19 tại các quận huyện, tiếp nhận các trường hợp có triệu chứng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh nền.

Tầng 3 gồm 8 bệnh viện hồi sức Covid-19 tại tuyến cuối, được chi viện nhân lực từ nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức…

TPHCM vừa đưa ra mô hình 3 tầng trong quản lý các bệnh nhân Covid-19 phù hợp với phân chia mức độ nặng của bệnh Covid-19.

TPHCM vừa đưa ra mô hình 3 tầng trong quản lý các bệnh nhân Covid-19 phù hợp với phân chia mức độ nặng của bệnh Covid-19. 

Mô hình tháp 3 tầng đơn giản, phân rõ công tác điều trị tại mỗi tầng, từ đó giúp điều phối nhân lực y tế theo chuyên môn một cách cụ thể, người dân cũng dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn các mô hình rườm rà trước đây.

Đứng ở khía cạnh bệnh học trong y khoa, chúng ta thấy rõ ràng sự phân mức độ nặng của bệnh Covid-19 rất phù hợp với mô hình 3 tầng điều trị mà TPHCM đưa ra.

Theo cơ chế sinh bệnh, các bệnh nhân được chia thành 3 nhóm như sau:

Nhóm 1 là các trường hợp viêm hô hấp trên do SARS-CoV-2, có thể không triệu chứng hoặc triệu chứng thông thường của cảm cúm như sốt, đau cơ, đau đầu, chảy mũi, ho khan, đàm, mất khứu giác hoặc vị giác… Nhóm này có tiên lượng tốt, chiếm 80% tổng số các ca bệnh.

Bệnh nhân F0 chỉ cần được điều trị ngoại trú tại nhà và tuân thủ biện pháp cách ly là vấn đề quan trọng nhất. Trong hoàn cảnh hiện nay, các thuốc kháng virus dạng uống hiệu quả cho SARS-CoV-2 sắp hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, 3, chẳng hạn như Molnupiravir.

Nếu có trong tay các thuốc này, bệnh nhân cần được cung cấp sử dụng ngay sau phơi nhiễm, như vậy hiệu quả sẽ phát huy tối đa, không để virus xâm nhập vào cơ thể và gây cơn bão cytokine trong biểu hiện nặng.

Nhóm 2 là các trường hợp viêm phổi do SARS-CoV-2, có biểu hiện sốt cao kéo dài hơn một tuần, ho đàm nhiều, khó thở, tức ngực… Thời gian từ ngày 7 - 10 của bệnh là thời điểm cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân để phát hiện các ca trở nặng, nhất là người già, bệnh nền và béo phì.

Nhóm 2 có nguy cơ diễn tiến phức tạp, chiếm 15% tổng số các ca bệnh. Bệnh nhân cần được nhập viện điều trị nâng đỡ và cung cấp oxy nhân tạo qua canula mũi, mặt nạ hoặc thở máy. Đây cũng là nhóm nên khởi đầu dùng corticosteroid để áp chế tình trạng viêm do cơn bão cytokine gây ra tại đường hô hấp.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đồng thuận trong việc áp dụng liệu pháp kháng viêm corticosteroid cho các bệnh nhân trong nhóm này, tuy nhiên cần lưu ý là không dùng sớm vì tác hại ức chế miễn dịch của cơ thể.

Các thuốc có tác dụng kháng viêm khác (như thuốc điều trị giun Ivermectin) hoặc các thảo dược kháng viêm (như xuyên tâm liên) muốn đạt hiệu quả như corticosteroid phải dùng ở liều lượng cao, nguy cơ gây độc nghiêm trọng cho cơ thể, do vậy chưa có sự đồng thuận của WHO hoặc Cơ quan Quản lý Thuốc Hoa Kỳ (FDA) trong việc sử dụng các chế phẩm này cho điều trị bão cytokine trên bệnh nhân Covid-19.

Nhóm 3 là các trường hợp đe dọa tử vong do SARS-CoV-2, bao gồm hội chứng suy hô hấp cấp nặng (ARDS), đông máu nội mạch lan tỏa (DIC) hoặc tổn thương đa tạng. Nhóm này có tiên lượng xấu, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số các ca bệnh.

Thời gian từ ngày 7 - 10 của bệnh là thời điểm cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân Covid-19 để phát hiện các ca trở nặng, nhất là người già, bệnh nền và béo phì. (Ảnh minh họa)

Thời gian từ ngày 7 - 10 của bệnh là thời điểm cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân Covid-19 để phát hiện các ca trở nặng, nhất là người già, bệnh nền và béo phì. (Ảnh minh họa)

Bệnh nhân nhóm 3 cần được theo dõi trong khu vực hồi sức (ICU), tiến hành sử dụng kháng đông cho DIC, máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho ARDS và lọc máu liên tục (CRRT) nhằm loại bỏ cytokine cho tổn thương đa tạng.

Đảm bảo nhân lực y tế, giảm tâm lý hoang mang người mắc Covid-19

Như vậy, tháp quản lý 3 tầng sẽ giúp ngành y tế nhận ra được rõ điểm mạnh, điểm yếu của mỗi tầng để lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân cho phù hợp. Ở tầng 1, tất cả các bác sĩ thuộc mọi chuyên ngành đều có thể tham gia quản lý bệnh nhân nhẹ qua hình thức online.

Các nhóm tư vấn online cần được tập huấn thường xuyên để cập nhật những vấn đề mới trong điều trị và chia sẻ cách xoa dịu tâm lý hoảng loạn cho bệnh nhân.

Tâm lý hoang mang dễ đưa đến cảm giác tuyệt vọng, không làm chủ được bản thân nhất là khi tiếp xúc với nhiều luồng thông tin không chính thống trên mạng xã hội. Đây là vấn đề cần được chú trọng nhiều hơn nữa tại tầng 1 trong thời gian tới.

Ở tầng 2, các bác sĩ có kiến thức nội khoa hoặc có kinh nghiệm trong sử sụng máy thở là lựa chọn ưu tiên. Nếu nhân lực không đủ cần triển khai hướng dẫn cụ thể trong các lớp tập huấn chuyên sâu trước khi phân công công tác.

Ở tầng cuối, các bác sĩ phải có kinh nghiệm trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu, thường xuyên đối mặt với áp lực và trách nhiệm cao. Nhóm nhân viên điều trị tầng cuối cần được luân phiên ngắn ngày hơn nhóm ở tầng 2 để đảm bảo vấn đề sức khoẻ và tâm lý cho cuộc chiến lâu dài. Nếu không đủ nhân lực tại chỗ cần trưng cầu sự giúp đỡ từ các đơn vị hồi sức khác trong nước.

Đường lối rõ ràng và cụ thể sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp. Cuộc sống bình thường mới được thiết lập sớm hay muộn hoàn toàn là trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giữ gìn ý thức, là trách nhiệm của mỗi nhân viên y tế đang ngày đêm chăm lo cho toàn dân, là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo trong việc cập nhật kịp thời tình hình và phương hướng.

ThS.BS Lê Quốc Tuấn (Bộ môn Sinh Lý - Sinh lý Bệnh Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM)

Theo Đời sống
Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Khi ngừng thuốc trị tăng huyết áp đột ngột, huyết áp có thể tăng lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn,...
back to top