Theo Reuters, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, Nick Clegg, cho biết trợ lý AI mới ra mắt gần đây của công ty chủ yếu được đào tạo dựa trên dữ liệu có sẵn công khai trên nền tảng Facebook và Instagram.
Ông Clegg khẳng định, Meta không sử dụng nội dung cuộc trò chuyện riêng tư của người dùng để đào tạo chatbot. Công ty cũng thực hiện các bước để lọc thông tin cá nhân khỏi các tập dữ liệu công khai được sử dụng cho hoạt động đào tạo.
Ông cũng đưa ra dẫn chứng LinkedIn là ví dụ một trang web có nội dung mà Meta không dùng vì lo ngại về quyền riêng tư.
Các bài đăng trên Facebook và Instagram được sử dụng để đào tạo Meta AI bao gồm các văn bản và hình ảnh. Meta cũng áp đặt các hạn chế về an toàn đối với những nội dung mà công cụ này có thể tạo ra, chẳng hạn như cấm tạo ra ảnh chụp các nhân vật công chúng.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh các công ty công nghệ như Meta, OpenAI và Google bị chỉ trích vì sử dụng những thông tin lấy từ Internet mà không được phép để đào tạo các mô hình AI của họ.
Công ty cho biết, Meta AI được tạo ra thông qua việc sử dụng mô hình tùy chỉnh dựa trên mô hình ngôn ngữ Llama 2 mà Công ty Meta ra mắt vào tháng 7 năm nay. Nó có thể tạo ra văn bản, âm thanh và hình ảnh, đồng thời sẽ có quyền truy cập vào thông tin thời gian thực thông qua quan hệ đối tác với công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft.
Chatbot Meta AI, được ra mắt để cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI và Bard của Google, sẽ được tích hợp với các nền tảng WhatsApp, Messenger và Instagram, cũng như kính thông minh và tai nghe Quest.
Đây là sản phẩm quan trọng nhất trong số các công cụ AI hướng tới người tiêu dùng, được Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg tiết lộ ngày 27/9 tại hội nghị Connect thường niên của công ty.
Meta cũng cho biết họ sẽ ra mắt thêm 28 chatbot AI phiên bản ở beta trong những tuần tới, tất cả đều có đặc trưng riêng mà người dùng có thể nhắn tin và tương tác trên WhatsApp, Messenger và Instagram.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trong những công nghệ được nhắc đến nhiều nhất trong những tháng vừa qua, đỉnh điểm nhất là thời điểm OpenAI tung ra chatbot ChatGPT, khiến cả thế giới phải ngạc nhiên khi có thể đưa ra các phản hồi tự nhiên, rất giống con người như có thể làm thơ theo yêu cầu, thậm chí là trả lời các câu hỏi phức tạp theo nhiều phong cách khác nhau.
Sau sự bùng nổ của ChatGPT, Google và Microsoft cũng trình làng các chatbot AI của riêng họ, Bard và Bing. Và bây giờ, Meta cũng chính thức tham gia cuộc đua này.