Thậm chí ở góc nhìn ngược lại, mẫu xe vừa bị Mazda đặt dấu chấm hết tại các thị trường Mỹ - châu Âu này, rất có thể, sẽ đặt luôn dấu chấm hết cho người anh em hatchback của nó tại Việt Nam.
Điểm mạnh và yếu của Mazda CX-3
Điểm mạnh của Mazda CX-3 chính là Hệ thống an toàn i-Activesense – key sales point trên một mẫu xe bình dân, mặc dù chỉ được trang bị với phiên bản cao cấp nhất.
Ngược lại, xe vẫn giữ nguyên các điểm yếu cố hữu của dòng Mazda 2: động cơ 1.5, không gian nội thất chật hẹp, ghế sau ngồi đứng lưng, cách âm trung bình. Các thông số kỹ thuật không vượt trội so với đối thủ trực tiếp và dẫm chân lên người anh em cùng nhà là Mazda 2 hatchback. Thêm nữa, Mazda CX-3 đã bị Mazda khai tử tại Mỹ và châu Âu, nhường chỗ cho các dòng sản phẩm mới nên rất có thể đây sẽ là những lô Mazda CX-3 cuối cùng.
Tưởng chừng như rất hot khi phải mất khoảng 2 tháng kể từ ngày ra mắt thì những chiếc CX-3 mới được giao tới tay những khách hàng và ngay bản thân các đại lý cũng chỉ có xe trưng bày chứ chưa có xe chạy thử. Tuy nhiên, sau một tháng trải nghiệm, những cảm nhận của mình về chiếc xe này chỉ là một sự thường thường, không mấy khác biệt ngay cả khi so với người tiền nhiệm vốn đã được chạy thử ở Việt Nam vài năm qua. Hoặc nói khác đi, nếu bạn rất yêu Mazda, có tiền chơi bản full và mua xe tặng vợ hoặc bồ đi chợ thì tới thời điểm này, chiếc Mazda 2 hatchback vẫn đầy đủ chất thể thao cũng như sự cá tính hơn cả.
Mazda 2 Cross
Mình muốn gọi CX-3 là Mazda 2 Cross và nhường lại cái tên ngắn gọn cho mẫu CX-30 bởi thực chất, những gì cốt lõi nhất của dòng xe cỡ nhỏ này vẫn “never die” theo kiểu thêm bát thêm đũa chứ không thêm món trên mâm.
Nếu bạn đang đi một chiếc Mazda 2 Hatchback Sport rồi ngồi lên CX-3, thứ cảm thấy rõ nét hơn cả là một chiếc túi trống có thể mang thêm của bạn đồng hành. Nếu bạn đang đi một chiếc Mazda 2 Hatchback Sport, thứ cảm thấy hứng thú hơn trong những cơn mưa là khoảng sáng gầm xe đã nâng thêm 1cm, đủ để tham gia tạo sóng với mấy vũng nước như trong quảng cáo. Và nếu bạn đang đi một chiếc Mazda 2 Hatchback Sport, thứ bạn cảm thấy mình may mắn là mẫu xe mới này chỉ hơn chiếc xe mình đang đi có bấy nhiêu vậy mà thôi.
Mazda 2 Uncross
Mazda CX-3 tại Việt Nam chỉ khác biệt lớn nhất so với 2 phiên bản Mazda 2 Sedan & Hatchback ở thiết kế thân vỏ theo hình dáng của một chiếc SUV đô thị pha trộn một chút coupe (không biết có phải làm tiền đề thử nghiệm cho CX-50?) với phần đuôi vuốt về phía sau. Chính điều này làm cho không gian ngồi ở hàng ghế thứ hai thêm phần khó chịu khi khoảng trống trần xe bị giảm xuống, phần tựa lưng vốn đã dựng đứng cố định, nay càng trở nên không thoải mái. Mình dài 170cm và trải nghiệm chạy qua con lươn giảm tốc trong Sala ở vận tốc 60km/h là những điều kiện cần và đủ để mình có cú đội nóc hoàn hảo trong trải nghiệm này.
Điểm uncross thứ hai của CX-3 đáng nói nhất chính là Thaco vì lý do nào đó đã chỉ mang động cơ 1.5 thay vì bản 2.0, hay nói cách khác là không thay đổi hệ thống truyền động. Gánh vác trọng tải nặng hơn, cồng kềnh hơn nhưng công suất giống với các phiên bản nhỏ thân nhẹ xác làm chiếc xe trở nên thụ động và yếu đuối trong những tình huống quyết định. Với các mẫu xe châu Âu, máy bé thường được bổ sung turbo hay supercharge để giải quyết khả năng tăng tốc tức thời thì Thaco lại nhấn mạnh vào chế độ lái Sport để khoả lấp yếu điểm này.
Đứng ở góc độ cảm nhận của người sử dụng bình thường, Sport mode trên xe Mazda với mình chỉ là sự làm trễ thời gian sang số và duy trì vòng tua cao để tận dụng sức kéo. Điều này cũng xảy ra tương tự khi các bạn sử dụng chế độ Cruise Control, active mức 100km/h khi xe đang ở vận tốc 50 - 60km/h sẽ thấy chồm lên như Ferrari ấy.
Và điểm uncross cuối cùng? Đó là truyền thống giá cao nhưng thiếu ổn định của Thaco. Người tiêu dùng phải bỏ thêm 100 triệu đồng để có được quá ít lợi điểm khi đổi từ Hatchback Premium lên CX-3 Premium. Nhưng ngay cả khi con tim đã thắng lý trí thì vẫn hồi hộp một niềm đau chờ chực: ngày mai khuyến mãi giảm sâu, mua được vài tháng mà lỗ tới vài trăm. Hay vẫn đang chần chừ vì đọc bài viết này? Giá xe đã tăng 10 triệu đồng ngay sau khi “đầy tháng”.
Dấu chấm hết có thêm dấu chấm hết?
Năm 2015, Mazda CX-3 đến Mỹ để thay thế mẫu Mazda 2 Hatchback với nhiều toan tính đón đầu trend SUV đô thị cỡ nhỏ. Tuy nhiên, 6 năm sau, nó đã bị khai tử vì doanh số quá thấp, mặc dù mới chỉ đi tới phiên bản facelift.
Năm 2021, một lần nữa điều tương tự có thể đang lặp lại ở Việt Nam khi các mẫu Mazda 2 không thực sự gây ấn tượng với thị trường cũng như có khả năng cạnh tranh tương xứng với đối thủ. Cá nhân mình không thiên về điều này vì dù sao đi nữa, các chị em khi đi phố vẫn thích những chiếc xe dễ lái, dễ đỗ hơn là những gì cồng kềnh.
Người Việt Nam không giàu mà cũng chẳng thiếu tiền nên xe nhỏ - vợ con còn xe to chồng – gia đình đang là xu thế không thể khác. Và nếu vậy thì mình thiên về một phỏng đoán khác, có khi Thaco chỉ làm CBU cứ không phải CKD với mẫu xe này.