Mặt bằng lãi suất trung bình giảm, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc

Các chuyên gia cho rằng, dù lãi suất trái phiếu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi hạ nhiệt nhưng chỉ khi nào mặt bằng lãi suất trung bình giảm xuống dưới 10% thì khi đó thị trường bất động sản mới phản ứng.

Từ giữa tháng 3/2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có ba lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành, cho thấy chính sách tiền tệ đang giảm dần mức độ thắt chặt.

Ngay sau cuộc họp của lãnh đạo các nhà băng với Ngân hàng Nhà nước vào sáng 25/5, các ngân hàng thương mại dự kiến giảm 0,3 - 0,5% lãi suất cho vay áp dụng với tất cả các khoản vay cũ. Những động thái này được cho là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế, kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến bất động sản.

Lai suat ha bao nhieu thi truong bat dong san se khoi sac?
Ngân hàng liên tiếp hạ lãi suất, tuy nhiên thị trường bất động sản vẫn ảm đạm - Ảnh minh họa, nguồn: internet

Thực tế, thời gian gần đây nhiều ngân hàng liên tục công bố giảm lãi suất cho vay ở một số sản phẩm, trong đó có bất động sản.

Như, tại ngân hàng Agribank, khoản vay với mục đích kinh doanh bất động sản tại thời điểm từ 31/1/2023 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được xem xét giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với mức lãi suất cũ.

Ngân hàng BIDV tung ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh, bao gồm cả vay mua nhà ở với lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; hay từ 10,9%/năm trong 18 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu.

Các ngân hàng MBBank điều chỉnh lãi suất cho vay chỉ từ 8,5%/năm; Techcombank, Sacombank, SeABank, Bản Việt…cũng tung ra các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 1-2 điểm % so với mức lãi suất thông thường.

Tuy nhiên, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, lượng giao dịch bất động sản các tháng gần đây còn chậm, nguyên nhân là do người dân cảm thấy đây chưa phải thời điểm thích hợp để vay mua nhà, kể cả đối với người mua có nhu cầu ở thực. Các khoản vay mua nhà thường là vay trong thời gian dài hạn cho nên các ngân hàng cần cân nhắc về mức độ rủi ro trong việc giảm mạnh lãi vay.

Theo các chuyên gia, hiện nay, đã có tín hiệu nguồn tiền quay trở lại, lãi suất trái phiếu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi hạ nhiệt, khách hàng đã tiếp cận được khoản vay mới với lãi suất 10-11%. Tuy nhiên, chỉ khi nào mặt bằng lãi suất trung bình giảm xuống dưới 10% thì khi đó thị trường bất động sản mới phản ứng. Vì 10% là con số mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, nếu lãi suất giảm do ngân hàng thừa tiền thì thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi. Hiện nay dù tình trạng căng thẳng thanh khoản đã được giải quyết nhưng lãi suất hạ nhiệt chưa phải là dấu hiệu của nền kinh tế thừa tiền. Do đó, dòng tiền chưa thể ngay lập tức đổ vào các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản.

TS. Đinh Thế Hiển cho biết, thị trường vẫn còn ảm đạm là do phần lớn người mua sợ mức lãi cao, mặc dù lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn rất cao. Ông dự đoán, khả năng dòng tiền nhàn rỗi quay lại thị trường bất động sản trong năm tới sẽ không cao.

"Rất nhiều người ôm đất hiện nay đang phải gồng lãi vay ngân hàng từng ngày. Thị trường sẽ không xuất hiện các nhà đầu tư mới (chưa ôm đất) đổ tiền mua bất động sản giống như một làn sóng trước đây. Số lượng người ôm đất mong muốn thoát hàng ra đang nhiều hơn số lượng người có sẵn tiền để ôm hàng, tức là cầu thấp hơn cung", vị chuyên gia phân tích.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để đưa ra được những giải pháp mang dòng tiền quay lại thị trường bất động sản, khách hàng cần được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp, bởi người mua vẫn giữ tâm lý thận trọng mặc dù nhu cầu lớn. Các chính sách bán hàng cũng cần đi kèm với thương hiệu của chủ đầu tư nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng. Khi lãi suất vay giảm xuống 7 - 8% thị trường bất động sản lập tức có phản ứng mạnh mẽ và sôi động trở lại.

Theo Đời sống
back to top