Mãn nhãn đêm khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột

Tối 10/3, tại Quảng trường 10/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã chính thức diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”.

Tham dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; các vị đại sứ, tổng lãnh sự các nước, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, doanh nghiệp.

Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.

Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.

Về phía tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo lễ hội; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo lễ hội; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo lễ hội; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo lễ hội; Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành hữu quan cùng đông đảo du khách trong, ngoài nước và đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Mặc dù hơn 20h mới diễn ra lễ khai mạc nhưng từ chiều tối, hàng vạn người dân và du khách đã tới chật cứng Quảng trường 10/3 TP Buôn Ma Thuột - nơi diễn ra lễ khai mạc.

Buổi lễ khai mạc được dàn dựng đẹp mắt công phu với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ và ca sĩ nổi tiếng đã phản ánh không gian Lễ hội Tây Nguyên thông qua những hình tượng nghệ thuật điển hình, vẽ lên bức tranh toàn cảnh Tây Nguyên tràn đầy nhựa sống, ước mơ và hy vọng.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết với diện tích hơn 200.000 ha, sản lượng trên 500.000 tấn/năm, Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Được sự đồng ý của Chính phủ, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Ngày hội vinh danh ngành cà phê Việt Nam đã trở thành Lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần; là nơi để hội tụ và tôn vinh những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, phát biểu tại lễ khai mạc.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, phát biểu tại lễ khai mạc.

Lễ hội được tổ chức lần này, bên cạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại còn diễn ra hội nghị kết nối giao thương quốc tế và nhiều hoạt động văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt là sự tiếp nối thành công, chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam, với quyết tâm đưa Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trở thành "điểm đến của cà phê thế giới"…

Đồng chí Phạm Ngọc Nghị bày tỏ hy vọng, trong những ngày tham dự lễ hội, các đại biểu, du khách sẽ có những phút giây trải nghiệm thú vị, được đắm mình trong hương sắc cà phê, hòa mình vào những lễ hội truyền thống độc đáo trong thời khắc đẹp nhất của tháng 3 Tây Nguyên. Tỉnh Đắk Lắk luôn sẵn sàng “kết duyên lành” với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, để những ý tưởng, dự án đầu tư sớm trở thành hiện thực trên vùng đất bazan chan chứa tình người.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk trong xây dựng kinh tế, phát triển một ngành cà phê bền vững, góp phần tạo nên vị thế lớn của ngành cà phê Việt Nam hiện nay.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại lễ khai mạc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại lễ khai mạc.

Mặc dù đã đạt được những thành quả hết sức khích lệ nhưng Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng lưu ý ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn cần phải vượt qua để duy trì và phát triển trong thời gian tới. Hiện nay cà phê Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, công nghệ chế biến sâu còn hạn chế.

"Để phát triển bền vững ngành cà phê, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành cà phê. Thực hiện hiệu quả tái canh cây cà phê, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, gắn với chế biến sâu và thị trường tiêu thụ. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng trồng, xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững, gắn với phát triển văn hóa, du lịch…" - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Sau phần nghi thức Khai mạc, là chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc với đông đảo diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, các nghệ sĩ, nghệ nhân… tham gia biểu diễn, đặc biệt là sự góp mặt của Đại sứ truyền thông Lễ hội H’Hen Niê - Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu hoàn vũ thế giới 2018.

Lễ hội cà phê lần này sẽ diễn ra trong 5 ngày (10 - 14/3) được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 18 hoạt động chính diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột và nhiều huyện trong tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, nổi bật là các hoạt động thi pha chế cà phê đặc sản Việt Nam 2023, triển lãm chuyên đề "Lịch sử cà phê thế giới"; hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê; hội thảo phát triển cà phê chất lượng cao; thi chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê; triển lãm trưng bày và hội thi sinh vật cảnh; hội thi nhà nông đua tài; đua thuyền độc mộc hồ Lắk, hội voi Buôn Đôn…

Với chủ đề “Buôn Ma Thuột – điểm đến của cà phê thế giới”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 tiếp tục khẳng định và nâng tầm vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Đặc biệt, điểm nổi bật của Lễ hội lần này là chú trọng quảng bá phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam, đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới./.

Một số hình ảnh phần trình diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc:

Theo Đời sống
back to top