Mãi mắc nợ tấm lòng thầy Trần Hữu Tá

“Bao giờ đến nhà gặp thầy để trao đổi công việc, thầy cũng hỏi tôi: đi lại bằng gì, nóng thế này đã mua được quạt máy chưa, bố mẹ ở quê thế nào, con cái ra sao, chú ấy có làm thêm được gì không”…

Đó là một mảng ký ức của PGS.TS Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội) về người thầy kính yêu - GS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá.

Đối đãi với học trò bằng tấm lòng cha chú

PGS.TS. Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, bà được học thầy Trần Hữu Tá một học kì của năm học thứ tư, phần "Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng 8" và khi học cao học. Trong đó, quãng thời gian học cao học đã cho bà nhiều kỷ niệm nhất với gia đình thầy.

Trong ký ức của PGS.TS Nguyễn Thị Bình, thầy Trần Hữu Tá là người làm nghề nghiêm túc và tận tình với học trò. Khi chọn đề tài “Những đóng góp của phong trào thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước", nhận yêu cầu từ thầy lập danh mục tài liệu tham khảo và các thi phẩm, bà sợ toát mồ hôi vì không dễ gì bao quát hết được.

Nhà giáo Trần Hữu Tá tại đại hội Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM nhiệm kỳ VI (2016-2020). Ảnh Nguyễn Văn Cải.

Nhà giáo Trần Hữu Tá tại đại hội Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM nhiệm kỳ VI (2016-2020). Ảnh Nguyễn Văn Cải.

Năm đó, khóa cao học của bà Bình mới là khóa thứ 3 (gọi là Sau Đại học), thời gian học viên làm đề tài chỉ vài ba tháng, không có quy trình chặt chẽ như sau này.

“Tôi rất biết ơn thầy vì đã chỉ dẫn cho những thao tác căn bản cần có của người nghiên cứu, đã tôn trọng những suy nghĩ riêng và phần nào chịu đựng sự bướng bỉnh của tôi”, bà Bình chia sẻ.

Đặc biệt, điều khiến bà quý trọng ở thầy Tá là cung cách giao tiếp thân mật và sự quan tâm kiểu cha chú, thân tình mà thầy dành cho học trò.

PGS.TS Nguyễn Thị Bình kể, hồi ấy, vợ chồng thầy Tá sống ở căn hộ khoảng 24 mét vuông trong một khu tập thể cũ kĩ trên phố Nguyễn Công Trứ. Ba người con của thầy còn nhỏ. Cuộc sống công chức đạm bạc, hành lang chung thành nơi để xe đạp, bếp dầu, xô nước và đủ thứ vật dụng linh tinh của các gia đình.

Căn hộ thầy ở chỉ có một phòng. Tuy nhiên, có một giá sách cao chất ngất. Và lần nào tới nhà thầy, bà Bình cũng được vợ chồng thầy niềm nở đón tiếp, hỏi than thân tình.

“Bao giờ đến nhà gặp thầy để trao đổi công việc, thầy cũng hỏi tôi: đi lại bằng gì, nóng thế này đã mua được quạt máy chưa, bố mẹ ở quê thế nào, con cái thế nào, chú ấy có làm thêm được gì không.

Và một kỷ niệm khiến PGS.TS Bình cảm thấy “mắc nợ” ân tình với người thầy của mình, đó là khi bà nộp đơn xin chuyển công tác vào Nam (theo tiếng gọi tình yêu) đúng thời điểm thầy Tá cũng đang chuẩn bị chuyển cả gia đình vào Nam. Biết chuyện, vào Sài Gòn thầy tìm gặp bạn trai của cô học trò, sau đó, âm thầm xin việc cho cô.

PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá sinh năm 1937 tại Hưng Yên. Ông từng là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau năm 1975, ông chuyển vào miền Nam công tác.

PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá có nhiều năm trực tiếp tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, kinh qua nhiều chức vụ, trong đó có Trưởng Khoa Ngữ Văn. Ngoài ra, ông còn là hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TPHCM.

Nhưng rồi, một cơ may bất ngờ, khiến bạn trai của bà Bình không phải vào Nam nữa, và đương nhiên, bà Bình vẫn ở lại khoa. “Thầy không giận, không trách, chỉ thỉnh thoảng giễu cợt cái bệnh “luỵ tình” nông nổi của đứa học trò. Tôi mãi mãi mắc nợ tấm lòng thầy Tá”, PGS.TS Nguyễn Thị Bình chia sẻ.

Người có tài “kích hoạt” các cuộc vui

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bình, thầy Tá là người có tài kích hoạt các cuộc vui, luôn đem lại tiếng cười cho mọi người, với kho chuyện vui bất tận.

Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được mọi người kính trọng bởi những tên tuổi nổi tiếng tài hoa, cá tính như Huỳnh Lý, Nguyễn Trác, Hoàng Dung, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Văn Long, Trần Hữu Tá....

Và điều khiến bà Bình thích nhất khi là giảng viên của Khoa là được làm việc cùng những con người thẳng thắn, giỏi hài hước và rất tôn trọng nhau.

Nhà giáo Trần Hữu Tá và vợ.

Nhà giáo Trần Hữu Tá và vợ.

“Các cuộc họp tổ đều vui không thể tả. Đến nỗi tôi chỉ mong có họp bộ môn. Thầy Tá luôn là người rất tài “kích hoạt" những cuộc vui như thế, nhiều nhất là về các tình huống “có hiếu với vợ” của các đấng tu mi nam tử trong tổ, trong khoa”, bà Bình kể.

Nhiều năm về sau, thầy Tá về sống ở Sài Gòn, mỗi lần điện thoại với học trò, thầy cũng vẫn giữ giọng điệu hóm hỉnh.

“Mỗi lần điện thoại, thầy đều không quên kèm thêm một câu cuối: “Cho thầy gửi lời thăm kẻ nô lệ vĩ đại của em nhé". Thầy hóm hỉnh hỏi tôi: "Này cái tay H. nhà cậu ít nói đến mức tớ cứ hình dung hỏi hắn câu gì đó rồi nằm ngủ một giấc, lúc dậy mới nghe được câu trả lời. Thế thì các cậu cãi nhau thế nào? Vợ chồng mà không cãi nhau thì nhạt lắm”, bà Bình chia sẻ.

Trong ký ức của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Bình luôn thấy “mắc nợ” ân tình với người thầy kính yêu Trần Hữu Tá.

Trong ký ức của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Bình luôn thấy “mắc nợ” ân tình với người thầy kính yêu Trần Hữu Tá.

Từ khi gia đình thầy chuyển vào Sài Gòn, thầy trò ít có dịp gặp gỡ. Thi thoảng thầy ra Hà Nội họp hành đôi ba bữa, bộ môn Văn học Việt Nam Hiện đại lại tìm cách "xắn" của thầy chút thời gian để được hàn huyên. Thầy vẫn là kho chuyện vui bất tận, đến đâu đem lại tiếng cười đến đấy.

Và điều khiến bà Bình thấy nể phục người thầy của mình, là bà biết về những biến cố trong gia đình của thầy khiến sức khoẻ thầy sa sút, thế nhưng khi gặp gỡ, thầy không bao giờ nói tới những vinh quang cũng như nỗi muộn phiền thầy nếm trải.

Trong lễ kỉ niệm 65 năm thành lập khoa Ngữ văn (ĐHSP Hà Nội), căn bệnh parkison gây cho thầy khó khăn với mọi cử động. Nhưng thầy vẫn ân cần và hóm hỉnh, vẫn thăm hỏi tất cả mọi người, không quên động viên cô học trò năm nào.

PGS.TS.NGƯT Trần Hữu Tá qua đời vào tối ngày 27/11, thọ 86 tuổi. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD&ĐT đã dành từ "nhân hậu" khi nói về thầy Trần Hữu Tá. Cái nhân hậu toát ra từ giọng nói, dáng đi, từ cung cách ứng xử thường nhật; nhân hậu còn thể hiện ở cách nghĩ, cách viết với tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" thường chỉ nói và viết về cái tốt của bạn bè, học trò... ít khi chê bai người khác.

Năm 2017, khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức lễ mừng thọ 80 cho thầy rất long trọng. Trong hình, thầy nở nụ cười tươi, dù có vẻ rất yếu. Nghe nói nhân dịp này, các hội đoàn, học trò, đồng nghiệp... biếu thầy khoảng một trăm triệu, giúp thầy cô chữa bệnh. Thầy và gia đình đã tặng lại toàn bộ cho khoa để làm một quỹ khuyến học.

“Tôi biết cái nghiệt ngã của thời gian, cái bất lực của tuổi già. Nên tôi càng kính trọng thầy hơn”, bà Bình chia sẻ.

Theo Đời sống
back to top