Theo thông tin từ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Đồng Văn (Hà Giang), ngày 31/3, một nam bệnh nhân 27 tuổi, được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, cứng hàm, sốt nóng liên tục, bệnh nhân có cơn co giật toàn thân.
Qua khai thác tiền sử, thăm khám lâm sàng và hỏi người nhà, bệnh nhân có vết thương trên đỉnh đầu kích thước khoảng 1 x 0,5cm đã khô, không chảy dịch.
Vết thương là do trong quá trình lao động, bệnh nhân bị đá rơi trúng, tuy nhiên, do vết thương nhỏ, không chảy nhiều máu nên bệnh nhân và gia đình cũng không để ý.
Sau khi thăm khám và tiến hành hội chẩn toàn viện, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán: Bệnh nhân mắc uốn ván giai đoạn toàn phát.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã cho bệnh nhân thở máy, truyền dịch, điều trị SAT, an thần, kháng sinh... và chăm sóc cấp I.
Trải qua 28 ngày điều trị tích cực (trong đó, bệnh nhân phải thở máy 20 ngày), đến ngày 26/4, bệnh nhân đã tỉnh táo, giao tiếp tốt, tự vận động nhẹ nhàng, ăn uống được, các chỉ số sinh tồn bình thường.
Theo các bác sĩ, uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong 25-90%. Bệnh thường xảy ra khi cơ thể bị tổn thương như vết chích da, vết rách da, vết trầy da, bỏng, viêm tai giữa, phẫu thuật, sảy thai, sinh đẻ...
Khi nhiễm uốn ván, cơ thể trải qua 4 giai đoạn: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Uốn ván là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài (có thể vài tuần đến vài tháng) và chi phí điều trị rất tốn kém. Vì vậy, khi bị thương cần xử lý đúng cách.
Rửa vết thương bằng nước sạch, sát trùng bằng cồn tại vết thương và xung quanh; dùng băng vô khuẩn để băng bó vết thương, sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và tiêm phòng uốn ván.
Người dân cần chủ động tiêm dự phòng uốn ván khi có vết thương dập nát, sâu, bẩn, đặc biệt với nhóm người chưa tiêm ngừa đầy đủ hoặc cách thời gian tiêm mũi văcxin gần nhất là 10 năm. Sau đó, tiêm nhắc lại văcxin uốn ván theo khuyến cáo của đơn vị tiêm chủng để có miễn dịch đầy đủ phòng bệnh.