Theo Tổng cục Đường bộ, lý do của việc lùi thời điểm này là bởi SEA Games 31 (Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31) được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 5-23/5/2022, và để bảo đảm nhu cầu tham gia giao thông, trật tự an toàn giao thông trong thời gian diễn ra SEA Games 31.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ đã chủ động tổ chức, phối hợp cùng đơn vị quản lý tuyến đường là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) rà soát, kiểm tra hiện trường tổ chức giao thông khu vực các trạm thu phí trên tuyến.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng chỉ đạo VIDIFI lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ phương án tổ chức giao thông phục vụ công tác thí điểm trình Tổng cục xem xét, thoả thuận làm cơ sở triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng đã đề nghị Cục Cảnh sát Giao thông phối hợp với Tổng cục và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc rà soát hệ thống biển báo, phương án tổ chức giao thông.
Ngoài ra, bảo đảm trật tự an, toàn giao thông, xử lý các vi phạm xe không đủ điều kiện đi vào làn không dừng theo Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ và một số công việc khác liên quan trong thời gian thí điểm.
Theo thống kê, tỷ lệ phương tiện đã dán thẻ tại các tỉnh, thành phố tuyến đường cao tốc đi qua đạt trung bình 65% (tăng khoảng 10% so với tháng trước đó).
Tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng trên tuyến đạt 50% trên tổng lưu lượng xe (thời điểm tháng 3/2022) tăng khoảng 5% so với tháng trước đó.
Do tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát nên các hoạt động kinh tế - xã hội đã hồi phục nên việc thu phí tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã có sự khởi sắc so với hai năm vừa qua. Kết thúc quý 1/2022, cao tốc Hà Phòng đã thu được hơn 392 tỷ đồng; trong đó, thu phí qua ETC là 178 tỷ đồng.
Năm 2021 của các trạm thu phí trên tuyến cao tốc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đạt hơn 1.254 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thu phí qua hình thức ETC đạt hơn 306 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 30.500 tỷ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng gần 3.700 tỷ đồng, chi phí tư vấn gần 1.160 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 105,5 km, tốc độ thiết kế 120 km/giờ, có 6 trạm thu phí.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời thống nhất với đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam việc triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, thời điểm dự kiến từ 5/5/2022.