Luật hóa xử lý nợ xấu để hình thành thị trường mua bán nợ?

(khoahocdoisong.vn) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ. Nợ xấu đã và đang tăng cao khiến áp lực xử lý nợ xấu thời gian tới là rất lớn.
Ngân hàng rao bán hàng loạt ô tô siết nợ.

Ngân hàng rao bán hàng loạt ô tô siết nợ.

Nợ xấu sẽ tăng nhanh hơn

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank. Phụ trách quản lý tài sản nợ đã thu hồi của một ngân hàng tại Hà Nội cho biết, số ô tô thu hồi của khách hàng tăng nhanh, thu cả hàng trăm chiếc nhưng bán thì chẳng được bao nhiêu, càng để càng hư hại. Có nhiều xe mang đấu giá nhiều lần vẫn không có người mua. Mỗi lần đấu giá lại giảm 5%, tới lần thứ 4 giá giảm 20% so với định giá ban đầu, vậy nhưng đến nay vẫn để không. Bãi xe của ngân hàng giờ đã đầy, còn xe để lâu ngày cũng hỏng nhưng luật đã quy định, ngân hàng không thể không siết nợ khi món vay toàn tiền trăm triệu tới cả tỷ đồng.

Nhiều người vay mua ô tô thời gian qua là để phục vụ kinh doanh như chạy taxi, cho thuê. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra và liên tục diễn biến phức tạp khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh. Một số địa phương áp dụng giãn cách xã hội, dịch vụ taxi phải ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian, chạy xe thu nhập không đủ trả lãi vay ngân hàng, đẩy người vay rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Không chỉ lĩnh vực vận tải, bất động sản, du lịch và nhiều ngành nghề khác đang gia tăng nợ xấu. Thực tế gần đây, xu hướng rao bán tài sản thế chấp để xử lý và thu hồi nợ xấu đang ngày càng được đẩy mạnh. Thông báo phát mại tài sản xuất hiện dày đặc trên trang web của các ngân hàng thời gian qua. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm suy giảm khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn, dẫn đến nợ xấu ngân hàng là khó tránh khỏi.

Theo bà Trịnh Thị Ngân, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, giai đoạn vừa qua, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự khó khăn. Nhưng cơ hội vay để phục hồi sản xuất rất khó. Tài sản thế chấp là vấn đề lớn, nhiều doanh nghiệp đã dùng để vay được khoản ban đầu, nhưng đã nợ xấu rồi, đi vay rất khó. Không còn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh, nợ xấu càng xấu.

Nợ xấu cũ chưa giải quyết triệt để, nợ xấu mới lại có nguy cơ tăng thêm. Trong đó, đứng đầu ngành về quy mô nợ xấu là BIDV. Nợ xấu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tăng mạnh. Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank)... cũng phản ánh tốc độ tăng trưởng nợ xấu ở mức cao, từ 19,2 - 61%.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhu cầu vay cũng như chất lượng tín dụng, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu. Thống kê của FiinGroup, đến cuối quý 1/2021, tỷ lệ nợ xấu của 25 ngân hàng niêm yết tăng từ 1,38% lên 1,41% sau khi giảm mạnh trong quý trước. Nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng lần lượt 21,3% và 12,5%. Nợ nhóm 5 tuy giảm 2,5% so với cuối quý 4/2020, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ xấu.

Cần luật hóa xử lý nợ xấu

Theo ước tính của các chuyên gia, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể tăng lên 3% vào cuối năm nay và ước tính có thể lên tới 4,5% trong thời gian tới nếu dịch Covid-19 kéo dài, khiến nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ.

Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Nợ xấu tiềm ẩn từ số nợ cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng. Với tác động của đợt dịch lần này, có thể tình hình nợ xấu sẽ gia tăng nhanh. Trong khi đó, Nghị quyết 42 chỉ còn hơn 1 năm nữa là hết hiệu lực, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống trong thời gian tới là rất lớn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 sau gần 4 năm đi vào thực tiễn, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Theo đó, các tổ chức tín dụng chủ động quyết định biện pháp xử lý nợ, có thể bán nợ, thu giữ tài sản... dù có hay không có sự đồng ý của bên vay. Điều này đã tạo áp lực rất lớn, buộc bên vay có trách nhiệm hơn trong trả nợ và hợp tác với tổ chức tín dụng trong xử lý nợ, nếu không muốn mất tài sản.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự; các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu (nhưng chứng khoán hóa) chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ; làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này; khiến quá trình mua – bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.

Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), ngay sau khi có Nghị quyết 42, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ tối đa cho hoạt động xử lý, thu hồi nợ của VAMC. Lũy kế từ năm 2017 đến hết tháng 3/5/2021, VAMC đã mua 336 khoản nợ của 192 khách hàng với 11.541 tỷ đồng dư nợ gốc và giá mua nợ đạt 11.628 tỷ đồng. Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 115.672 tỷ đồng, chiếm 65% tổng số thu hồi nợ lũy kế từ khi thành lập đến hết ngày 31/5/2021. Hiện tại, VAMC đã được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, có thể khoảng đầu quý 3 sẽ ra đời.

Quan điểm của nhiều chuyên gia kiến nghị Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng xấu tới tình hình tài chính của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và chính ngành ngân hàng, cần có nhiều giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi để trợ lực doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho cả hệ thống, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, hình thành thị trường mua bán nợ nhằm ngăn chặn nợ xấu quay trở lại.

Theo Đời sống
back to top