Loạt ngân hàng lo mất nghìn tỷ tại thép Hữu Liên Á Châu

(khoahocdoisong.vn) - Công ty Cổ phần Hữu Liên Á Châu (HLA) từng được coi là một trong những đại gia ngành thép, nổi tiếng tại TPHCM. Tuy nhiên, gần một thập kỷ qua, công ty càng kinh doanh càng thua lỗ. Một loạt ngân hàng như BIDV, Sacombank, NCB đang bị kẹt hàng nghìn tỷ đồng tại công ty này và không có hi vọng thu hồi được vốn.

Thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

Hữu Liên Á Châu được thành lập năm 2001 với số vốn điều lệ gần 345 tỷ đồng. Sản phẩm của công ty từng được xuất hiện trên danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực của TPHCM giai đoạn 2001 - 2009. 

Từ năm 2013, HLA vay hơn 1.000 tỷ đồng từ các ngân hàng. Đáng chú ý, cũng từ năm này, công ty bắt đầu làm ăn thua lỗ triền miên, hoạt động kinh doanh, sản xuất bị thu hẹp, thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2020, lỗ lũy kế của HLA là 2.037 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu bị âm 1.548 tỷ đồng, nhiều gấp 5 lần so với vốn đăng ký kinh doanh ban đầu. Trong đó, chi phí lãi vay và lãi phạt trả chậm phải trả lên tới 712 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 462 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là  1.727 tỷ đồng. Tính bình quân, 7 năm qua, trung bình mỗi năm HLA kinh doanh thua lỗ đến 300 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của HLA qua các năm (KH&ĐS tổng hợp).

Kết quả kinh doanh của HLA qua các năm (KH&ĐS tổng hợp).

Những số liệu trên gây quan ngại về khả năng tạo ra giá trị tài sản của công ty để thanh toán các khoản nợ phải trả trong điều kiện hoạt động bình thường. Trong những Báo cáo tài chính soát xét gần đây, công ty kiểm toán đã đưa ra ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của HLA.

Theo đó, HLA đã dùng toàn bộ những tài sản mình có làm tài sản đảm bảo để vay vốn, bao gồm cả tài sản cố định, cổ phiếu, hàng hóa luân chuyển, hàng tồn kho, thậm chí cả tài sản được hình thành trong tương lai. Những lô hàng cầm cố đảm bảo cho các khoản vay lại không được HLA đưa vào sản xuất, sử dụng. Hàng tồn kho của HLA hiện đều kém giá trị, không có khả năng tiêu thụ. 

Theo giải trình của ông Trần Tuấn Nghiệp, Tổng Giám đốc HLA, công ty vừa thiếu vốn lưu động, vừa phải chịu chi phí lãi vay kéo theo lợi nhuận đi xuống, khiến lỗ triền miên trong gần thập kỷ qua. Tuy nhiên, lãnh đạo của HLA không giải trình được số tiền vay mượn lên tới hơn 1.300 tỷ đồng đã được sử dụng như thế nào, tại sao “bốc hơi” nhanh chóng qua các năm, để công ty liên tục trong tình trạng thiếu vốn và mất khả năng thanh toán.

Tài sản có giá nhất hiện nay của HLA là dự án Khu phức hợp cao ốc Hữu Liên với chi phí dự án là 28 tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng tài sản. Dự án đang được HLA đàm phán chuyển nhượng để thanh toán các khoản nợ. Nhưng cho đến nay, HLA vẫn chưa tìm được đối tác nhận chuyển nhượng. HLA cũng tạm ngưng kế hoạch tái khởi động dự án này do khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào dự án.

Toàn bộ số lượng cổ phiếu HLA (hơn 34 triệu cổ phiếu) đã bị hạn chế giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM ngày 26/5/2016.

Công ty đang có kế hoạch kinh doanh mới trong năm 2020, chủ yếu nhận gia công sản phẩm và cho thuê nhà xưởng trong thời gian tái cơ cấu nợ vay với các ngân hàng.

Những ngân hàng nào mất vốn?

Tính đến 30/6/2020, các khoản nợ ngắn hạn của HLA là 1.784 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ phải trả đã quá hạn thanh toán tại các ngân hàng của HLA là 678 tỷ đồng. Những ngân hàng trong nước đang bị “ngâm vốn” trong HLA bao gồm NCB, Sacombank và BIDV. Hầu hết những khoản vay này đều được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay.

Năm 2011, HLA đã ký hợp đồng vay vốn với NCB (khi đó là ngân hàng Nam Việt) 137 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là lô hàng sắt thép hình thành từ vốn vay, lãi suất vay là 9,5%.

Sau đó, HLA tiếp tục vay vốn với tài sản đảm bảo là hàng hóa luân chuyển trong sản xuất của HLA và quyền sử dụng đất tại TPHCM thuộc sở hữu của bên thứ ba. Số nợ của HLA tại NCB vào năm 2013 là 192 tỷ đồng, lãi suất vay là 13,5 - 15%/năm. Từ năm 2013 đến nay, HLA đã không còn khả năng trả nợ cho NCB. Lúc này, nợ lãi vay và lãi phạt HLA phải trả cho NCB là 166 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ lên hơn 360 tỷ đồng. Tháng 6/2018, NCB – chi nhánh Sài Gòn đã thu giữ tài sản đảm bảo của HLA và cổ đông để thu hồi nợ xấu. Cho đến tháng 6/2020, HLA còn nợ NCB 192 tỷ đồng. HLA vẫn chưa thể tái đàm phán hoặc đạt được thỏa thuận tài chính thay thế với NCB để gia hạn thêm thời gian trả nợ.

Về khoản vay nợ từ Sacombank, dư nợ của HLA tại Sacombank trong năm 2013 là 627 tỷ đồng. Sang năm 2014, Sacombank bán một phần nợ xấu của HLA cho VAMC. Sacombank còn dư nợ cho vay 261 tỷ đồng tại HLA. Khoản nợ này đã quá hạn nhiều năm. Những khoản vay này được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Đáng tiếc là HLA đã không thể tạo ra giá trị tài sản từ vốn vay, những khoản vay hàng nghìn tỷ đồng đã “bốc hơi” trong một thời gian ngắn.

Cục Thi hành án dân sự TPHCM thông báo sẽ cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản của HLA gồm 08 quyền sử dụng đất và công trình trên đất đang được thế chấp tại Sacombank để bán đấu giá thu hồi nợ trả cho VAMC. Đến nay, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện.

Năm 2019, BIDV bán một phần tài sản của HLA đang cầm cố tại ngân hàng thông qua VAMC với số tiền 7,4 tỷ đồng. Số tiền này đã được ghi giảm gốc nợ vay của HLA tại BIDV xuống còn 155,4 tỷ đồng. Khoản nợ này đã được gia hạn tới 1/10/2021.

Với kết quả kinh doanh “bết bát” của HLA trong nhiều năm nay, doanh thu không đủ bù đắp cho các chi phí bán hàng, chi phí quản lý và chi phí tài chính. Tính riêng chi phí trả lãi suất cho các khoản vay, mỗi tháng HLA phải trả 6,5 tỷ đồng, gần bằng doanh thu trong cả 9 tháng của công ty.

Lãnh đạo công ty cam kết sẽ có những giải pháp vốn cũng như tìm các nguồn vốn hợp lý để đảm bảo hoạt động của công ty, tạo ra giá trị tài sản để trả nợ. Tuy nhiên, việc tìm vốn bổ sung của HLA hiện tại là bất khả thi khi công ty không còn tài sản đảm bảo. Với tình hình hiện tại, việc kéo vốn về con số dương là không thể, chứ chưa nói đến khả năng trả nợ.

Việc trước mắt mà HLA có thể làm là thương lượng với ngân hàng, xin gia hạn lại thời gian trả nợ được thêm ngày nào tốt ngày đấy. Về phía các ngân hàng cũng cần có những kế hoạch phù hợp để xử lý nợ xấu này.

Theo Đời sống
Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, Agribank đã trở thành biểu tượng cho sự đồng hành giữa tài chính và cộng đồng. Hơn 4 vạn cán bộ, nhân viên Agribank đang ngày ngày gieo những "hạt mầm xanh" cho ngành giáo dục – những hạt giống sẽ lớn lên.
back to top