Loạt GĐ bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế: Chế tài xử lý sao?

Chuyên gia pháp lý cho rằng, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cũng để đảm bảo cho việc thực hiện các nghĩa vụ dân sự, nghĩa vụ nộp thuế được thực hiện hiệu quả hơn.
Ngày 8/5, Cục Hải quan TPHCM cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất nhập cảnh với đại diện một số doanh nghiệp bị nợ thuế.
Cụ thể, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 thuộc Cục Hải quan TP HCM đã thông báo tạm hoãn xuất nhập cảnh với loạt đại diện doanh nghiệp là ông Nguyễn Khánh Thanh - Công ty TNHH Hợp Nhất Nông; bà Đỗ Xuân Trang - Công ty CP Green Lotus; ông Đặng Thế Kỷ - Công ty TNHH TM XNK Hiệp Vương; ông Tô Hoàng Vũ - Công ty TNHH Tô Liêm; ông Hồ Phạm Minh Tâm - Công ty TNHH Minh Thái Lộc; bà Lê Thị Thảo - Công ty TNHH SX-TM Phát triển Thảo Đạt.
Việc tạm hoãn xuất cảnh là do không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày ký thông báo đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Loat GD bi cam xuat canh vi no thue: Che tai xu ly sao?
Theo Cục Hải quan TPHCM, việc tạm hoãn xuất cảnh là do không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước
Theo Cục Hải quan TP HCM, nhằm tăng cường xử lý tình trạng doanh nghiệp nợ thuế kéo dài, từ đầu năm đến nay, các chi cục đã liên tục dùng các biện pháp nghiệp vụ để tăng cường thu hồi nợ đọng; trong đó có biện pháp đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của hàng trăm doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tạm hoãn xuất cảnh làm biện pháp hành chính có thể được áp dụng đối với nhiều đối tượng trong giai đoạn xác minh tin báo tố giác tội phạm, trong tố tụng dân sự, giai đoạn thi hành án dân sự hoặc đối với người có nghĩa vụ nộp thuế mà không thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật.
Việc tạm hoãn xuất cảnh là hạn chế quyền tự do đi lại, cư trú của công dân trong một số trường hợp mà pháp luật có quy định. Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cũng để đảm bảo cho việc thực hiện các nghĩa vụ dân sự, nghĩa vụ nộp thuế được thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn.
Theo Điều 36 Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định các trường hợp có thể bị tạm hoãn xuất cảnh như sau:
Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh.
Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Bởi vậy, đối với các đối tượng: Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, căn cứ vào điều 36 Luật xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, cơ quan chức năng có quyền áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét làm rõ xem việc chậm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế là do nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Trường hợp doanh nghiệp khó khăn thua lỗ, phá sản thì việc Nhà nước thất thu thuế là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, với doanh nghiệp vẫn còn hoạt động, vẫn còn có khả năng nộp thuế nhưng chậm nộp thì có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế theo luật quản lý thuế để truy thu thuế. Đồng thời có thể áp dụng các biện pháp hành chính khác để buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

>>> Mời độc giả xem thêm video Ưu đãi về thuế để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô

Nguồn: VTV1

Theo Đời sống
back to top